Cách Thành phố Cao Bằng khoảng 50km về phía tây nam, rừng Trần Hưng Đạo nằm dưới chân núi Slam Cao giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc núi Dền Sinh, dãy Khâu Giáng (Cao Bằng), có nhiều cổ thụ và đỉnh Slam Cao.
Đây là nơi lưu giữ một hệ thống các di tích gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam và đến nay đã trở thành địa chỉ đỏ trên hành trình về nguồn Cao Bằng.
Từ bức phù điêu này, đi khoảng 200 m đến ngã ba rẽ phải xuống 10 bậc là khu đất bằng nơi ghi dấu sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Tại địa điểm này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chỉ thị thành lập của Bác Hồ, Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với 34 chiến sĩ đầu tiên đã được tiến hành vào ngày 22/12/1944.
Cũng tại nơi này có khắc 10 lời thề danh dự do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc trong Lễ tuyên thệ (sau này trở thành lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam) và danh sách 34 chiến sĩ.
Cách nhà bia trung tâm khoảng 30m, mô phỏng lán trại cũ của Đội - hai dãy nhà theo kiểu nhà của người miền xuôi. Đối diện lán nghỉ là dãy nhà bếp ăn của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Mỏ nước sinh hoạt của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Từ nhà bia, qua 505 bậc là đỉnh Slam Cao, vị trí cao nhất của núi Dền Sinh.
Đỉnh Slam Cao là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lựa chọn quan sát để chuẩn bị cho trận đánh vào đồn Phai Khắt.
Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần
Đồn Phai Khắt thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, cách khu rừng Trần Hưng Đạo 7 km.
Chấp hành Chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu”, ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do đích thân đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (ngày 25/12/1944). Đồn lúc đầu là nhà của ông Nông Văn Lạc thuộc làng Phai Khắt, được xây từ năm 1940. Đây là vị trí chiến lược quan trọng vì có thể án ngữ được cả vùng Tam Kim và liên lạc dễ dàng với châu lỵ Nguyên Bình. Do điều tra kỹ tình hình địch, hiểu rõ đường đi lối lại, giờ giấc sinh hoạt, canh gác của chúng nên mặc dù là trận đánh đầu tiên, lại chỉ được trang bị rất thô sơ, nhưng quân ta đã chiếm được đồn một cách thuận lợi.
Chiến thắng đồn Phai Khắt đã tạo niềm tin tất thắng cho các chiến sĩ giải phóng, đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang làm tiền đề cho các trận đánh sau này.
Những hiện vật còn lưu giữ lại tại Đồn Phai Khắt.
Chiến thắng Phai Khắt là chiến thắng đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, ta thu được 17 khẩu súng, một ít đạn, diệt tên đồn trưởng, bắt 17 tên.
Đồn Phai Khắt được xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 29 tháng 01 năm 1993 và là một trong các di tích trong Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo.
Đồn Nà Ngần xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Đồn Nà Ngần nguyên là nhà của ông Nông Văn Pảo (tức phó lý Pảo). Để ngăn cản phong trào do Việt Minh lãnh đạo, địch đã chọn nhà của ông để làm nơi đóng quân. Đó là một ngôi nhà sàn kiên cố nhất vùng, xung quanh có hàng rào vây quanh. Đồn nằm trên ngọn đồi cao, địa thế hiểm trở, muốn vào đồn phải đi qua mấy thung lũng. Tại đây, bọn chúng có thể án ngữ cả vùng Nà Ngần và liên lạc dễ dàng với các châu lị Nguyên Bình.
Di tích Đồn Nà Ngần.
Những hiện vật còn lưu giữ lại tại Đồn Nà Ngần.
Trận đánh đã tiêu diệt 5 tên địch, bắt sống 17 tên, kể cả phó lý Pảo và bọn binh lính tháo chạy, thu 27 súng, khá nhiều đạn dược và một thanh kiếm.
Thắng lợi này đã mở ra một trang sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam từ những ngày đầu mới thành lập. Từ những vũ khí thu được sau hai trận đánh đã giúp Đội phát triển nhanh chóng cả về lực lượng lẫn trang bị cho trận đánh tiếp theo. Và đây cũng là nguồn cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cho quân và dân ta đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần vào sự trưởng thành và lớn mạnh của Quân đội ta. Hai trận Phai Khắt và Nà Ngần “chính là hai ngôi sao sáng soi tỏ lối đi cho đội quân du kích trên con đường chiến đấu đầy gian lao và nguy hiểm.