Nằm cách đô thị Đà Nẵng không xa, rừng Trung Sơn thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang rộng khoảng 13ha, hai mặt của rừng này hiện giáp đường Nguyễn Tất Thành (nối dài) và đường vành đai phía Tây thành phố. Bao bọc chung quanh là hàng loạt dự án tái định cư, khu công nghiệp.
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Thúc Vinh, 53 tuổi, Trưởng thôn Trung Sơn cho biết, hiện còn khoảng 60 hộ dân sinh sống chung quanh khu rừng. Người dân trước đây chủ yếu làm nông nghiệp, quần tụ tạo thành những ngôi làng ven rừng, dưới chân là cát trắng. Không chỉ là lá phổi xanh trong lòng đô thị Đà Nẵng, rừng Trung Sơn hàng trăm năm tuổi, bên trong là những di tích văn hóa, lịch sử có giá trị, là nơi lưu giữ truyền thống đoàn kết, anh dũng đấu tranh của quân và dân ta.
Thế hệ cha ông lớp trước đã không tiếc máu xương đấu tranh giữ rừng, nuôi cách mạng, góp phần bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ hôm nay phải có trách nhiệm gìn giữ, bằng mọi giá phải giữ rừng.
Rất mừng vì sau nhiều đề xuất của dân làng, hiện lãnh đạo thành phố đã lắng nghe, thấu hiểu, và đã có quyết định điều chỉnh để giữ lại diện tích rừng Trung Sơn giữa bốn bề các dự án đang triển khai ở khu vực này. Đây thực sự là niềm vui, là cách ứng xử văn minh với thế hệ tiền nhân, với vùng đất cách mạng, với khu rừng Trung Sơn mang quá nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử.
Ông Hà Thúc Vinh, Trưởng thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng
Trở lại Trung Sơn, theo chân cụ Hà Di, 70 tuổi, trú trong thôn, chúng tôi đã được tiếp cận và nhìn ngắm những cây xanh có hàng trăm năm tuổi nơi này. Rừng Trung Sơn hiện có các loại cây như duối, chùm bùn, dẻ, sim, sơn ta, lò to... Như cách nói của cụ Hà Di, bao đời nay, dân làng cùng đồng lòng chung sức giữ rừng, xem rừng như báu vật. Theo hương ước của làng, rừng Trung Sơn là rừng cấm, không ai được vào chặt cây, đốn củi. Để giữ rừng, người trong làng cấm luôn việc lấy cát làm nhà. Bây giờ dễ gì trồng được rừng, mà rừng Trung Sơn là rừng tự nhiên lâu đời, rất quý”.
Chùm ảnh phóng viên thực hiện tại rừng Trung Sơn, tháng 12/2024.
Toàn bộ diện tích rừng Trung Sơn còn lại hiện nay sẽ được chính quyền huyện Hòa Vang khảo sát, lập dự trù kinh phí, xây dựng quy hoạch theo hướng giữ lại, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích nằm trong rừng Trung Sơn. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Ngay lối vào đình làng Trung Sơn là cây đa thân xù xì, bộ rễ lớn phủ từ trên cao xuống đất. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Một góc rừng Trung Sơn. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Nằm bình yên trong rừng Trung Sơn là đình làng được người dân nơi này xây dựng, tái thiết lại năm 2009. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Đình làng Trung Sơn là nơi hằng năm, cứ vào 25 tháng Chạp và ngày 14/4 âm lịch, dân làng tụ họp đông đủ để làm lễ tế âm linh, dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ vì nước vong thân.(Ảnh: ANH ĐÀO)
Rừng Trung Sơn và các di tích lịch sử văn hóa nơi này bị bủa vây bởi nhiều dự án, chỉnh trang đô thị trong suốt nhiều năm qua (Ảnh: ANH ĐÀO)
Ông Hà Thúc Vinh, Trưởng thôn Trung Sơn bên Giếng Chăm có từ hàng trăm năm tại rừng Trung Sơn. Theo ông Vinh, trước đây, giếng cổ này nằm trên cồn cát trắng cung cấp nguồn nước sạch cho người dân trong vùng. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Trong rừng có một số công trình như mộ của gần 200 nghĩa sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống ngoại xâm và hải tặc, đình làng, giếng Chăm cổ, miếu Bà Ngũ Hành...(Ảnh: ANH ĐÀO)
Toàn bộ diện tích rừng Trung Sơn còn lại hiện nay sẽ được chính quyền huyện Hòa Vang khảo sát, lập dự trù kinh phí, xây dựng quy hoạch theo hướng giữ lại, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích nằm trong rừng Trung Sơn. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Cụ Hà Di, 70 tuổi, bên gốc duối cổ thụ hàng trăm năm tuổi trong rừng. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, rừng Trung Sơn là nơi dân làng nuôi giấu cán bộ. Bên trong rừng có 65 hầm, hào, công sự. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Bà Lê Thị Nhân, 83 tuổi, từng tham gia cách mạng để bảo vệ xóm làng, đào hầm trú ẩn ở rừng Trung Sơn, bị giặc bắt tù đày nhiều năm. Cụ cho biết dân làng bao đời nay gìn giữ cánh rừng như báu vật. Bà nói mảnh đất Trung Sơn này giàu nhân nghĩa, rừng Trung Sơn là khu rừng có quá nhiều điều đặc biệt. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Khi thành phố làm dự án tái định cư, mở đường và các khu đô thị, khu công nghiệp, diện tích đồng ruộng thu hẹp, người dân dần chuyển đổi nghề nghiệp đi làm công nhân cho khu công nghiệp. Nhiều năm qua, gia đình anh Nguyễn Tấn Hải chắt góp đóng gạch để sẵn, khi được di dời sẽ có vật liệu xây dựng để có thể làm nhà, sớm ổn định cuộc sống. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Cổng nhà ông Lê Đức Đề, ngay lối vào làng Trung Sơn, được khắc trang trọng câu nói nổi tiếng bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”(Ảnh: ANH ĐÀO)
Làng Trung Sơn - nơi thấm đẫm tình làng, nghĩa xóm. Hằng ngày, khi gia đình nấu các món ngon, ông Lê Đức Đề lại bảo vợ chuẩn bị chu đáo, nhiều hơn một chút, để mang sang biếu bà Lê Thị Nhân. Nơi này, lặng yên những nghĩa tình bao bọc, như tình đất, tình người, tình rừng Trung Sơn. (Ảnh: ANH ĐÀO)
NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO