Rút kinh nghiệm vụ án chia thừa kế có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

Rút kinh nghiệm vụ án chia thừa kế có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng
7 giờ trướcBài gốc
Vừa qua (9-5), VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành thông báo rút kinh nghiệm về cách giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế giữa nguyên đơn là ông K với bị đơn là ông T.
Cha mẹ của ông K có 4 người con (3 trai 1 gái). Khi còn sống ba mẹ ông K tạo lập được nhà, đất tại thị trấn H, huyện T. Sau khi các cụ chết, ba anh trai giao cho em gái là bà S quản lý, sử dụng và thờ cúng cha mẹ. Khi bà S mất thì con trai bà S là ông T tiếp tục quản lý, sử dụng...
Do phát sinh tranh chấp ông K khởi kiện yêu cầu chia thừa kế là nhà, đất nêu trên. Ông T thừa nhận nguồn gốc đất là do ông bà ngoại để lại, nhà trên đất là của vợ chồng ông T và đồng ý chia di sản thừa kế.
Ngày 15-3-2023, TAND huyện T ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Các bên thống nhất giá trị thửa đất là 9 tỉ đồng. Vợ chồng ông T đồng ý thối trả cho ông K 5,23 tỉ đồng phần di sản thừa kế mà ông K được nhận. Vợ chồng ông T được quyền liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận...
Ngày 5-11-2024, Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị giám đốc thẩm hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của TAND huyện T; giao hồ sơ cho TAND huyện T giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Sau đó, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng nghị.
Trong thông báo rút kinh nghiệm, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã chỉ ra những kinh nghiệm như:
Về hàng thừa kế, những người được hưởng di sản của cha mẹ ông K có 8 người (gồm các con, cháu). Tuy nhiên, tòa án cấp sơ thẩm không đưa bà L (một người con dâu, do người chồng đã mất) vào tham gia tố tụng là thiếu sót (có ủy thác thu thập lấy lời khai nhưng không thu thập).
Về thu thập tài liệu, chứng cứ, các tài liệu, chứng cứ quan trọng làm căn cứ giải quyết vụ án đều là bản phô tô, không có công chứng chứng thực...
Về thủ tục tố tụng, các văn bản nhường kỷ phần thừa kế và xin vắng mặt trong quá trình giải quyết của những người liên quan đều chỉ là bản phô tô (có bản thì bị thiếu trang), không phải là bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp, nhưng tòa án vẫn công nhận là vi phạm khoản 1 Điều 95 BLTTDS.
Đồng thời, các văn bản có nội dung nhường kỷ phần thừa kế và xin vắng mặt, không phải từ chối tham gia tố tụng; riêng một người anh ông T thì cho rằng chỉ xin vắng mặt (không nhường phần thừa kế cho ai) nhưng tòa án cấp sơ thẩm không tống đạt biên bản hòa giải thành và quyết định công nhận sự thỏa thuận để họ thực hiện quyền và nghĩa vụ (thay đổi ý kiến,...).
Ngoài ra, thửa đất tranh chấp chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, tòa án chưa tiến hành xác minh thu thập chứng cứ để xác định diện tích đất cụ thể được nhà nước công nhận có diện tích, loại đất như thế nào, mà chỉ căn cứ vào mảnh trích đo chỉnh lý bản đồ địa chính số 88-2022 do Văn phòng Đăng ký đất đai huyện T đo về ngày 29-6-2022 làm căn cứ để tiến hành hòa giải và công nhận diện tích đất, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người được nhận hiện vật và khó khăn cho việc thi hành án...
YẾN CHÂU
Nguồn PLO : https://plo.vn/rut-kinh-nghiem-vu-an-chia-thua-ke-co-vi-pham-nghiem-trong-thu-tuc-to-tung-post850122.html