Vừa qua (19-5), VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm về cách giải quyết vụ án khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai giữa người khởi kiện là bà A với người bị kiện là UBND huyện T, tỉnh Q.
Nội dung vụ án cần rút kinh nghiệm
Năm 1998, chồng bà A được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng một thửa đất với diện tích 1.268 m². Sau đó, năm 2011, thửa đất này được cấp đổi thành thửa đất số 629.
Năm 2018, khi thực hiện nâng hạn mức sử dụng đất, thửa đất số 629 được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Q cấp đổi lại giấy chứng nhận ngày 7-3-2018. Năm 2019, chồng bà A chết, toàn bộ thửa đất do bà A và các con quản lý sử dụng.
Năm 2022, khi có nhu cầu thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế, gia đình bà A đo đạc lại toàn bộ diện tích đất thực tế đang sử dụng thì phát sinh tranh chấp với ông V (cháu nội của vợ chồng bà Đ) đang sử dụng thửa đất liền kề.
Bà A đã gửi đơn đến UBND xã H để hòa giải tranh chấp đất đai với các đồng thừa kế của vợ chồng bà Đ, sau đó gửi đơn đến UBND TP Q để xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, UBND TP Q từ chối.
Xét thấy việc UBND TP Q tự ý cấp diện tích đất thuộc quản lý, sử dụng của gia đình bà A cho người khác là không đúng, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp nên bà A đã khởi kiện yêu cầu tòa án hủy giấy chứng nhận đã cấp cho bà Đ.
Xử sơ thẩm tháng 6-2024, TAND tỉnh Q chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà A.
Xử phúc thẩm tháng 10-2024, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng cáo của một số người liên quan, hủy bản án sơ thẩm giao hồ sơ vụ án về TAND tỉnh Q để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm theo đúng quy định pháp luật.
Hình minh họa. Ảnh: YC
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, theo tài liệu có trong hồ sơ thể hiện vợ chồng bà Đ sinh được 5 người con trong đó có ông K, bà H. Trong đó ông K (chết năm 2009) có 3 người con, bà H (chết năm 2022) có 5 người con.
Tuy nhiên, trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, tòa án sơ thẩm đã không đưa đầy đủ những người con của ông K và của H vào tham gia tố tụng với tư cách là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Điều này làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án theo quy định tại Điều 55, Điều 58, Điều 59 Luật TTHC năm 2015. Do đó, tòa án cấp phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, kiểm sát viên đã không phát hiện vi phạm của tòa án trong việc lập hồ sơ vụ án hành chính đối với người tham gia tố tụng khác theo quy định tại Điều 132 Luật TTHC năm 2015 và quy định, hướng dẫn của ngành về công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính là có thiếu sót. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm.
YẾN CHÂU