Sa mạc Thar đang 'nở hoa': Bí ẩn về vùng đất khô cằn bất ngờ chuyển mình xanh mướt

Sa mạc Thar đang 'nở hoa': Bí ẩn về vùng đất khô cằn bất ngờ chuyển mình xanh mướt
2 ngày trướcBài gốc
Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Cell Reports Sustainability cho thấy Sa mạc Thar – còn được mệnh danh là "Đại sa mạc Ấn Độ" – đã xanh hơn 38% trong vòng hai thập kỷ qua. Kết luận này dựa trên phân tích dữ liệu vệ tinh từ năm 2001 đến 2023, cho thấy lượng thảm thực vật trong khu vực đã tăng lên đáng kể.
Một người phụ nữ và hai đứa con đang lấy nước từ giếng ở sa mạc Thar.
Theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân chính của hiện tượng "xanh hóa" này là do lượng mưa mùa gió tăng mạnh – lên tới 64% trong hai thập kỷ qua – cùng với việc mở rộng nông nghiệp và cơ sở hạ tầng tưới tiêu.
“Không có sa mạc nào trên thế giới chứng kiến sự gia tăng đồng thời về đô thị hóa, sản xuất nông nghiệp và lượng mưa như Thar,” tiến sĩ Vimal Mishra, đồng tác giả nghiên cứu và chuyên gia tại Viện Công nghệ Ấn Độ Gandhinagar, cho biết.
Sự xuất hiện của các công trình dẫn nước, khai thác nước ngầm ngoài mùa mưa cũng góp phần quan trọng giúp thảm thực vật phát triển mạnh mẽ hơn trong vùng đất vốn được xem là khô cằn bậc nhất thế giới.
Với diện tích hơn 200.000 km2, Thar trải dài từ tây bắc Ấn Độ sang đông nam Pakistan. Nhưng điều bất ngờ là sa mạc này không hề vắng bóng con người – hiện có hơn 16 triệu người sinh sống tại đây, biến Thar trở thành sa mạc đông dân nhất hành tinh.
Sự gia tăng dân số kéo theo nhu cầu phát triển đô thị, hạ tầng và sản xuất nông nghiệp, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi của cảnh quan nơi đây.
Sự chuyển mình của Thar mở ra cơ hội lớn về an ninh lương thực, năng lượng tái tạo và phát triển bền vững tại khu vực vốn từng bị xem là bất lợi về tự nhiên. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn.
Biến đổi khí hậu có thể khiến nhiệt độ tăng cao hơn, đe dọa đến sức khỏe và sinh kế của hàng triệu người dân nơi đây. Ngoài ra, việc khai thác nước ngầm quá mức cho tưới tiêu có thể dẫn đến cạn kiệt tài nguyên quý giá này.
Không dừng lại ở đó, mô hình khí hậu cho thấy mưa lớn có xu hướng xảy ra theo từng đợt cực đoan, dễ gây ra lũ lụt, phá hủy nhà cửa và cơ sở hạ tầng.
Một mối lo khác là sự phát triển ồ ạt có thể đe dọa hệ sinh thái đặc biệt và các loài động thực vật vốn đã thích nghi với môi trường khô hạn, cùng với lối sống du mục truyền thống của cư dân bản địa.
Các nhà khoa học kêu gọi cần có chiến lược quản lý nước hiệu quả, sử dụng giống cây trồng chịu hạn, áp dụng công nghệ năng lượng tái tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu để đảm bảo sự phát triển lâu dài cho Thar.
Nếu biết tận dụng và quản lý hợp lý, sa mạc Thar không chỉ trở thành biểu tượng cho sự thích nghi của con người với thiên nhiên mà còn là minh chứng sống động cho khả năng biến đổi của những vùng đất tưởng như không thể sống được.
Như Ý (Live Science)
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/sa-mac-thar-dang-no-hoa-bi-an-ve-vung-dat-kho-can-bat-ngo-chuyen-minh-xanh-muot/20250413080737685