Gia đình bà Lý Thị Mỷ (thôn Tả Van Mông, xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã làm dịch vụ homestay được khoảng 7 năm. Bà Mỷ là người còn giữ nghề thủ công truyền thống vẽ sáp ong, làm trang phục của người Mông và làm các sản phẩm đồ lưu niệm bày bán tại gia đình, đồng thời hướng dẫn cho du khách khi muốn trải nghiệm nghề truyền thống. Trung bình mỗi tháng trừ chi phí, gia đình cũng có thu nhập hơn 10 triệu đồng.
"Trước đây chủ yếu là vẽ để làm trang phục dùng trong gia đình. Đến khi có khách du lịch trong nước, nước ngoài đến muốn học thì tôi dạy họ vẽ. Có ngày hơn chục người, có ngày 30 - 40 người", bà Lý Thị Mỷ cho biết.
Nghề truyền thống trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút nhiều du khách trải nghiệm
Không chỉ riêng người Mông ở xã Tả Van mà các dân tộc khác ở Sa Pa cũng nắm bắt được nhu cầu của du khách đối với các sản phẩm thủ công truyền thống thêu dệt, họ đã mở cửa hàng sản xuất và bán sản phẩm. Cùng với đó, thu mua vải đã qua sử dụng của người dân trong xã không dùng đến, tạo ra các sản phẩm đồ lưu niệm để bán cho du khách.
Hiện ở xã Tả Van có 2 dân tộc sinh sống lâu đời là người Giáy và người Mông. Họ còn giữ gìn khá nguyên vẹn nét văn hóa, nghề truyền thống. Chị Phan Thị Hèn, thôn Tả Van Giáy 2, xã Tả Van, thị xã Sa Pa chia sẻ: "Khi làm thêm các sản phẩm, tôi thấy thu nhập tăng rất nhiều, giúp tôi và bà con có thêm thu nhập nữa".
Nghề truyền thống hiện đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút nhiều du khách trải nghiệm. Phát triển du lịch làng nghề là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, làm phong phú sản phẩm du lịch và bảo tồn văn hóa các dân tộc ở Sa Pa.
Bà Hoàng Thị Vượng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) cho biết: "Thông qua hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng để tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng các dân tộc địa phương. Ví dụ như các điểm du lịch mà chúng tôi đang tập trung khai thác, bà con có thể được tham gia vào nhiều hoạt động để tạo ra sinh kế, như biểu diễn văn nghệ dân gian, các nghề truyền thống. Các nghệ nhân có cơ hội việc làm để tạo ra sản phẩm, quà tặng lưu niệm phục vụ cho khách du lịch".
Với xu thế phát triển du lịch cộng đồng, việc tạo sản phẩm du lịch từ nghề thủ công truyền thống và nét văn hóa đặc trưng chính là những yếu tố cốt lõi để bà con phát triển kinh tế du lịch. Đây cũng là mô hình phát triển du lịch ở nông thôn, hướng tới bảo tồn và phát huy các làng nghề văn hóa truyền thống.
Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc