Sa Pa vẫn luôn là địa điểm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Hà Giang
Một trong những thách thức lớn nhất Sa Pa đang phải đối mặt là tác động tiêu cực của ngành du lịch đến với những nét văn hóa bản địa. Sa Pa được biết đến với văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số như Mông, Dao Đỏ, Tày. Mặc dù không thể phủ nhận rằng, du lịch đã có những đóng góp rất lớn trong việc bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, tạo ra cơ hội về các ngành nghề mới cũng như môi trường phục hồi cho các sản phẩm địa phương, song sự phát triển du lịch đã gây ra không ít thay đổi trong cách sống và bản sắc văn hóa của cộng đồng nơi đây.
Sa Pa nổi tiếng với các sản phẩm thủ công truyền thống, chủ yếu tập trung vào các nghề như dệt vải thổ cẩm và thêu thùa. Mặc dù các sản phẩm thủ công tại đây vẫn được duy trì và truyền lại qua nhiều thế hệ của các dân tộc thiểu số, nhưng những ngành nghề này vẫn chưa phát triển mạnh mẽ và có tính ứng dụng rộng rãi, chưa tạo ra nguồn thu nhập bền vững cho người dân địa phương. Nhiều trẻ em và phụ nữ dân tộc thiểu số, thay vì đến trường hoặc tham gia vào các công việc truyền thống, dưới sức ép của kinh tế và sự phát triển của du lịch, đã tham gia vào các ngành nghề tự phát như bán hàng rong các sản phẩm không có nguồn gốc từ bản địa. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc giáo dục và cơ hội nghề nghiệp lâu dài, mà còn gây nên sự lệ thuộc vào du lịch, làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của các dịch vụ du lịch thiếu quy hoạch cũng khiến các phong tục, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số dần mất đi sự thiêng liêng và nét đẹp độc đáo vốn có. Những lễ hội từng là biểu tượng văn hóa, nay đôi khi bị “sân khấu hóa” nhằm phục vụ du khách, làm mất đi ý nghĩa trọn vẹn và nguyên bản. Nhiều sự kiện như các buổi biểu diễn múa khèn, múa sạp của người dân tộc thiểu số cũng được tổ chức thường xuyên tại các khu du lịch hoặc nhà văn hóa. Các buổi biểu diễn này, dù mang lại hiệu ứng tốt, nhưng thường được sắp xếp theo lịch trình cố định, không còn là các hoạt động tự nhiên trong đời sống cộng đồng.
Điều này tạo ra một khoảng cách giữa hình ảnh văn hóa mà du khách tiếp cận và thực tế đời sống của đồng bào. Theo đó, với gần 790.000 khách du lịch đến với Sa Pa vào mùa cao điểm tháng 8/2024, cùng với lượng khách quanh năm, không gian văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số tại Sa Pa đứng trước nguy cơ bị thu hẹp, ảnh hưởng, lai tạp với nhau và với các nét văn hóa khác.
Các sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc tại Sa Pa vẫn còn thiếu cạnh tranh trên thị trường các sản phẩm lưu niệm. Ảnh: Hà Giang
Sự phát triển nhanh chóng của Sa Pa cũng đặt ra những trăn trở về vấn đề cân bằng giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế. Hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng và khách sạn mọc lên tại khu vực trung tâm thị xã, gây áp lực lớn lên hạ tầng và môi trường. Các địa danh như núi Hàm Rồng hay Thác Bạc đang phải chịu sự tác động nặng nề từ lượng khách khổng lồ mỗi năm, khiến môi trường tự nhiên ngày càng bị thương tổn, hư hại. Nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời, Sa Pa có nguy cơ đánh mất đi hệ sinh thái quý giá, vốn là một trong những điểm sáng thu hút khách du lịch.
Theo bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sa Pa, về quan điểm phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Sa Pa sẽ phát triển du lịch trên nguyên tắc phát triển đi đôi với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số; có những giải pháp tổng thể, đồng bộ với sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan để phát huy tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên (khí hậu, cảnh quan) và bảo đảm an ninh, quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường.
Sa Pa vẫn đang triển khai phát triển du lịch thông qua các mô hình du lịch cộng đồng trên cơ sở bài học thành công tại Bản Hồ và San Sả Hồ, cũng như công tác bảo tồn di sản thông qua Lễ hội 5 mùa, bao gồm Lễ hội mùa Xuân, Lễ hội mùa tình yêu, Lễ hội mùa Hè, Lễ hội mùa Thu và Lễ hội mùa Đông. Lễ hội mùa Xuân mở đầu một năm mới với các hoạt động tổ chức đón Xuân tại các bản làng như Lễ mở cửa rừng dân tộc Dao, Lễ hội xòe dân tộc Tày, Hội Xuân mở cổng trời... Lễ hội mùa tình yêu trong không gian lãng mạn của sương núi Sa Pa với phiên chợ tình, Chương trình văn nghệ “Sa Pa - Nơi gặp gỡ đất trời”. Lễ hội mùa Hè với các hoạt động như Ngày hội văn hóa các dân tộc tại thị xã Sa Pa, Lễ hội vó ngựa trên mây, Giải chạy “Sa Pa mùa nước đổ”. Lễ hội mùa Thu với các hoạt động như Hội thi khèn Mông “Giai điệu mây ngàn”, Lễ hội mùa vàng trên mây, Giải Marathon vượt núi quốc tế Sa Pa - VMM... Tại lễ hội mùa Đông, du khách sẽ được tận hưởng không gian lãng mạn, tinh khôi của không gian tuyết Sa Pa, Lễ hội thổ cẩm, Chương trình nghệ thuật “Count Down” chào năm mới...
Bằng việc khai thác hiệu quả những chất liệu có sẵn này, Sa Pa đang hướng tới tuyên truyền, quảng bá hiệu quả thương hiệu du lịch Sa Pa, tạo thêm những sản phẩm mới cho du lịch địa phương nhằm cạnh tranh với các thị trường du lịch trong và ngoài nước, thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch khi đến Sa Pa.
Những nỗ lực trên của Sa Pa là đáng ghi nhận, nhưng vẫn cần nhiều hơn nữa những phương án thiết thực và mang tính triệt để cho bài toán những thách thức của du lịch Sa Pa bền vững trong tương lai.
Hà Giang