Sabeco hụt hơi quý cao điểm, lãi bán niên thấp kỷ lục

Sabeco hụt hơi quý cao điểm, lãi bán niên thấp kỷ lục
9 giờ trướcBài gốc
Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2025 với doanh thu thuần đạt 6.804 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù ghi nhận mức sụt giảm doanh thu, Sabeco vẫn cải thiện biên lãi gộp từ 30% lên 36% nhờ giá vốn hàng bán được điều chỉnh giảm mạnh hơn so với doanh thu. Nhờ đó, giúp lợi nhuận gộp đạt 2.448 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,3%.
Tuy nhiên, áp lực chi phí vẫn hiện hữu khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 2% và 36%. Trong khi đó, doanh thu tài chính giảm nhẹ 4%. Các yếu tố này khiến lợi nhuận sau thuế quý 2 chỉ đạt 1.250 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Một điểm tích cực là phần lãi từ các công ty liên doanh, liên kết tăng 21%, đạt gần 34 tỷ đồng. So với hai quý liền trước, khi Sabeco ghi nhận lãi ròng dưới 1.000 tỷ đồng, kết quả quý 2 cho thấy dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, xét theo tính chu kỳ trong hoạt động kinh doanh, quý 2 vẫn thường là giai đoạn có lợi nhuận cao nhất trong năm của doanh nghiệp này.
So sánh với cùng kỳ các năm trước, quý 2/2022 từng là mức đỉnh lợi nhuận lịch sử của Sabeco với gần 1.700 tỷ đồng. Từ năm 2023 đến nay, ngoại trừ quý 2 hàng năm, hầu hết các quý còn lại đều ghi nhận lãi ròng dưới 1.000 tỷ đồng.
Doanh thu bán niên thấp nhất 5 năm, lãi ròng chạm đáy 4 năm
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, Sabeco đạt doanh thu thuần hơn 12.165 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 2.050 tỷ đồng, giảm 12,5%.
Trong năm 2025, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu thuần 31.641 tỷ đồng, tương đương mức giảm 1% so với năm trước. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng 8%, dự kiến đạt 4.835 tỷ đồng. Sau nửa đầu năm, công ty đã thực hiện được 40% kế hoạch doanh thu và 42% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Đây là mức doanh thu bán niên thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, còn lợi nhuận ròng bán niên rơi về mức thấp nhất 4 năm, dù vẫn duy trì ngưỡng 2.000 tỷ đồng trong 3 năm liên tiếp
Doanh nghiệp cho biết nguyên nhân chính khiến doanh thu sụt giảm đến từ sản lượng tiêu thụ giảm, đặc biệt khi Tết Nguyên đán 2025 rơi vào tháng 1 thay vì tháng 2 như năm 2024. Ngoài ra, thị trường bia tiếp tục đối mặt với cạnh tranh gay gắt.
Ảnh minh họa
Một yếu tố ảnh hưởng đáng kể khác là việc Sabeco hoàn tất hợp nhất CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây (Sabibeco, UPCoM: SBB) vào đầu tháng 1/2025, chuyển đổi từ công ty liên kết thành công ty con, kéo theo thay đổi trong cách hạch toán thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chi phí tài chính trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh, lên hơn 106 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ thương vụ mua lại Sabibeco, khi Sabeco chi tiền mua thêm hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB, nâng tỷ lệ sở hữu từ 21,8% lên 65%, qua đó chính thức nắm quyền kiểm soát.
Thương vụ này phát sinh lợi thế thương mại tạm thời khoảng 332 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản đầu tư cũ vào Sabibeco được đánh giá lại theo giá trị hợp lý, khiến Sabeco ghi nhận khoản lỗ 85 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ kế toán, không ảnh hưởng đến dòng tiền thực tế.
Tiền gửi chiếm 2/3 tài sản
Tính đến ngày 30/06/2025, tổng tài sản của Sabeco đạt gần 33.197 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi ngân hàng tiếp tục là khoản mục lớn nhất, chiếm khoảng 67% tổng tài sản, tương đương 22.392 tỷ đồng. Lãi từ tiền gửi trong 6 tháng đạt gần 492 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng tồn kho tính đến cuối tháng 6 giảm 16% so với đầu năm, còn 1.664 tỷ đồng. Ở phía nguồn vốn, nợ phải trả tăng hơn 1.300 tỷ đồng lên mức 10.322 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Trong đó vay ngắn hạn tăng 39% lên hơn 4.864 tỷ đồng. Vay thuê dài hạn không đáng kể, ở mức khoảng 169 tỷ đồng.
Lê Vy
Nguồn Vietnamdaily : https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/sabeco-hut-hoi-quy-cao-diem-lai-ban-nien-thap-ky-luc-post4296525040.html