Cảnh đổ nát sau trận động đất tại Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/2/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Một bức tranh đặc biệt đã chạm đến trái tim của hàng triệu người trên toàn cầu, bởi ý nghĩa sâu sắc phía sau những mảnh ghép tưởng chừng như vô tri. Thoạt nhìn, đó là một bức tranh rực rỡ sắc màu với hàng trăm khuôn mặt tươi cười được cắt ra từ báo chí và dán vào một khung hình. Nhưng ẩn sau vẻ ngoài tươi vui ấy là những câu chuyện đau thương về các nạn nhân của trận động đất kinh hoàng.
Tác giả của bức tranh ghép đầy xúc động này là nghệ sĩ Emil Genc, 43 tuổi, một người con của Antakya. Cũng như hàng nghìn người dân nơi đây, cuộc sống của Emil Genc đã bị đảo lộn hoàn toàn sau trận động đất độ lớn 7,8 vào ngày 6/2/2023.
Nghệ sĩ này chia sẻ: "Khi tôi đặt ký ức của mọi người vào những khung hình, họ nhìn thấy cuộc sống của chính mình. Có nỗi buồn nhưng cũng có hạnh phúc khi ai đó đang cố gắng giữ cho những ký ức đó sống mãi".
Antakya - thành phố cổ kính với hàng nghìn năm lịch sử - đã phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề nhất của thảm họa. Có tới 90% công trình bị phá hủy, hơn 20.000 người dân thiệt mạng.
"Chúng tôi đã mất cả một thành phố", Emil Genc nghẹn ngào cho biết.
Trong tác phẩm của mình, Emil Genc đã sử dụng những vật liệu còn sót lại từ đống đổ nát: Ảnh cũ, đồ trang sức, mảnh vỡ bê tông... để diễn tả "sự trống rỗng hoàn toàn và tuyệt vọng khi mất tất cả mọi thứ".
Nhiều tác phẩm của Emil Genc và hơn 70 nghệ sĩ địa phương khác đang được trưng bày tại chợ nghệ thuật và Văn hóa Antakya. Khu chợ đặc biệt này được khai trương vào ngày 1/1 vừa qua với mong muốn mang các nghệ sĩ trở lại thành phố, tạo không gian để họ giao lưu, chia sẻ và chữa lành những vết thương lòng bằng nghệ thuật.
Ông Hakan Boyaci - Giám đốc Hiệp hội Văn hóa Hatay cho biết: "Trong trận động đất, nhiều địa điểm văn hóa và xã hội của thành phố đã bị san phẳng. Ý tưởng sáng lập khu chợ này này chính là mang các nghệ sĩ trở lại, họ là người nắm giữ và có thể tái hiện ký ức của thành phố. Bạn có thể xây dựng lại các tòa nhà, nhưng chỉ điều đó thôi sẽ không giúp một thành phố đứng vững trở lại".
Ông cũng chia sẻ thêm rằng nhiều người dân vẫn đang sống trong những căn container tạm bợ, họ cần một nơi để đi chơi, giao lưu và kết nối lại với cộng đồng. Chợ nghệ thuật và văn hóa Antakya chính là không gian như vậy, nơi mọi người có thể cùng nhau chữa lành thông qua nghệ thuật và văn hóa.
Một sáng kiến khác cũng đầy ý nghĩa nhân văn là chợ ẩm thực Antakya, nơi trưng bày những tinh túy của di sản ẩm thực phong phú của thành phố. Những món ăn mang đậm hương vị truyền thống không chỉ giúp người dân xoa dịu nỗi nhớ nhà, mà còn tiếp thêm sức mạnh để họ vượt qua khó khăn và xây dựng lại cuộc sống.
Trong suốt 10 năm làm tranh khảm, cô Eser Mansuroglu (47 tuổi), luôn tìm kiếm cảm hứng từ những cổ vật lịch sử. Nhưng kể từ sau trận động đất, những tác phẩm của cô đã mang một màu sắc mới, đó là những hình ảnh lay động trái tim, những câu chuyện về lòng dũng cảm và tình người.
Bên ngoài cửa hàng của Eser là bức tranh khảm về một người đàn ông mặc áo cam ôm chặt tay con gái mình giữa đống đổ nát. Bức ảnh do phóng viên Adem Altan của hãng AFP (Pháp) chụp lại đã trở thành biểu tượng cho nỗi đau và sự kiên cường của người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Những nỗ lực của các nghệ sĩ như Emil Genc và Eser Mansuroglu đã tiếp thêm sức mạnh cho người dân Antakya. Nghệ thuật không chỉ giúp họ xoa dịu nỗi đau, mà còn là cầu nối để họ chia sẻ những câu chuyện, những ký ức và cùng nhau xây dựng lại cuộc sống trên những đổ nát.
Thanh Phương ( TTXVN)