Chợ vùng cao biên giới Minh Tân (Hà Giang).
Bà con chọn mặc những bộ đồ rực sỡ sắc màu hồ hởi đến chợ. Người bán, người mua cùng nhau trò chuyện, giao lưu, tổng kết lại năm cũ và cầu mong những điều suôn sẻ, may mắn trong năm mới. Những gam màu đó tạo nên nét đặc sắc của các phiên chợ ở Hà Giang.
Cách thành phố Hà Giang về phía Bắc hơn 20 km, chợ phiên những ngày cuối năm tại xã vùng biên giới Minh Tân (huyện Vị Xuyên) trở nên nhộn nhịp hơn hẳn những phiên chợ thường ngày. Ngay từ sáng tinh mơ, khi trời vẫn còn mờ sương, từ các nẻo đường người dân đã tấp nập xuống chợ. Người địu, người gùi, chở bằng xe máy, ô tô đủ các mặt hàng xuống chợ bán phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Điều tạo nên sự khác biệt giữa chợ Tết vùng cao với chợ miền xuôi chính là những mặt hàng truyền thống, mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc nơi đây.
Ông Phàn Văn Dùi, Chủ tịch UBND xã Minh Tân (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) cho biết: Đã thành thông lệ, cứ vào sáng thứ 6 hàng tuần, chợ phiên xã Minh Tân lại được mở để nhân dân trong và ngoài xã tới họp chợ. Tuy nhiên, những dịp Tết đến xuân về thì chợ ngày nào cũng họp.
Người dân ở nhiều xã tập trung về chợ vùng cao biên giới Minh Tân (Hà Giang) mua lá dong về gói bánh chưng tết.
Đến với chợ Minh Tân những ngày sát Tết, hàng hóa được bày bán đa dạng, phong phú. Ngoài các gian bán hàng của tiểu thương, thì nơi thu hút, tập trung đông nhất là khu vực bán đồ sản vật địa phương như măng, đỗ, vừng, gạo lạc, thảo quả, các loại rau củ quả, lá dong, lá chuối, lạt gói bánh, chuối xanh...
Bên sạp bán hương truyền thống, anh Giàng Chả Phừ, Thôn Bản Phố (xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên) chia sẻ: Gia đình tôi đã có truyền thống làm hương từ lâu, ngoài những phiên chợ bình thường, đến phiên chợ Tết, chúng tôi ngày nào cũng đến chợ bán. Dịp Tết bà con người Mông ai ai cũng mua chục bó hương để thắp. Đây là nét văn hóa từ lâu đời.
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, phòng tránh ngộ độc, nâng cao sức khỏe cho người dân, UBND xã Minh Tân đã thành lập tổ kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra tại các hàng quán và các buổi chợ phiên trên địa bàn; tuyên truyền tới nhân dân và người tiêu dùng phải lựa chọn cho mình và gia đình những sản phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo sức khỏe cho gia đình.
Người dân mua sắm tết tại chợ vùng cao biên giới Minh Tân (Hà Giang).
Tại chợ phiên trung tâm Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc), dường như cái lạnh những ngày cuối năm của vùng cao trở nên khắc nghiệt hơn. Cơn mưa lất phất kèm gió mùa kéo về, kèm theo mùi thơm đậm đà của hương Tết. Từ tinh mơ, người dân từ các xã cách trung tâm huyện hơn 20 km cũng nhanh chân về cho kịp phiên chợ. Người bán hàng mang đủ loại, từ phương tiện sản xuất như rìu, dao, cuốc, xẻng hay các loại khăn áo thêu tay, cho đến lương thực, thực phẩm như ngô, măng khô, rượu, gà, chó, vịt…
Ông Mua Sí Vư (tổ 1, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, Hà Giang) chia sẻ: Từ tinh mơ, phiên chợ Tết nơi đây đã tấp nập. Người dân mang những sáng phẩm tự làm được bán lấy tiền để mua những vật phẩm cần thiết cho gia đình. Người bán, người mua, ai cũng muốn sắm sửa cho một cái Tết đủ đầy, ấm no.
Trong dòng người đến chợ Mèo Vạc, không chỉ riêng người dân vùng cao mà du khách thập phương cũng đến tham quan, du lịch. Bà Trần Thị Thanh Hương (phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang) chia sẻ: Chúng tôi lên chợ Mèo Vạc không chỉ đi tham quan, du lịch mà còn muốn khám phá, mua sắm những sản phẩm mang hương sắc đặc trưng nơi đây như mật ong bạc hà, thịt trâu gác bếp… để thưởng thức trong những ngày Tết bên gia đình. Những ngày sát Tết, cảm giác hòa vào dòng người đi chợ thật thú vị và thoải mái.
Người dân mua sắm quần áo tại chợ vùng cao biên giới Minh Tân (Hà Giang).
Chợ phiên vùng cao những ngày giáp Tết được họp từ sáng sớm cho đến gần trưa. Mỗi phiên chợ ngày xuân không chỉ mang không khí, màu sắc riêng biệt, mà còn phần nào phản ánh cuộc sống no đủ hơn với thành quả lao động đầy phấn khởi của người dân sau một năm vất vả, gợi lên cuộc sống thanh bình, no ấm, đoàn kết, là sự hội tụ những nét văn hóa cổ truyền của đồng bào các dân tộc vùng cao nơi biên cương Hà Giang.
Tin, ảnh: Đức Thọ (TTXVN)