Sắc thổ cẩm dưới chân núi Hoàng Liên

Sắc thổ cẩm dưới chân núi Hoàng Liên
6 giờ trướcBài gốc
Người Lự ở bản Bãi Trâu có truyền thống trồng bông, dệt vải, thêu thùa từ bao đời nay. Mỗi khi mùa vụ kết thúc, trong những nếp nhà sàn đơn sơ lại rộn ràng tiếng thoi đưa, tiếng trò chuyện rôm rả của các bà, các mẹ và chị em bên khung cửi. Với đôi bàn tay khéo léo, từ những nguyên liệu bản địa như sợi bông, sợi lanh nhuộm bằng các loại lá rừng, phụ nữ trong bản đã tạo nên những tấm vải chàm làm nền cho kỹ thuật thêu tay độc đáo.
Đôi bàn tay khéo léo dệt nên những tấm vải chàm mộc mạc.
Phụ nữ Lự không dệt hoa văn bằng chỉ màu trong quá trình dệt vải mà hoàn thiện tấm vải trước, sau đó thêu trực tiếp họa tiết lên. Với kỹ thuật thêu tay khéo léo, các bà, các mẹ tạo nên những dải hoa văn trang trí từ các đường hình học, hình thoi, xoắn ốc, sóng nước, bông hoa, mặt trời… Đây đều là những họa tiết truyền thống mang tính biểu tượng gắn với tín ngưỡng và tri thức dân gian. Màu sắc chủ đạo là đỏ, vàng, xanh… nổi bật trên nền chàm sẫm, tạo nên tổng thể hài hòa, bắt mắt mà vẫn nền nã.
Khung cửi truyền thống trong nghề dệt thổ cẩm của người Lự.
Tuy nhiên nhiều năm gần đây, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Lự đang đối mặt với nhiều thách thức. Việc sử dụng trang phục dân tộc trong đời sống hằng ngày đã giảm sút, nhất là trong giới trẻ. Nhiều thanh niên rời bản đi làm xa, ít người còn mặn mà với nghề cũ. Việc truyền dạy nghề vì thế cũng mai một. Trong khi đó, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ vì giá thành cao, thị trường hẹp, chủ yếu phục vụ lễ hội hoặc khách du lịch mùa vụ.
Người Lự bền bỉ gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Dẫu vậy, vẫn có những đôi tay lặng lẽ giữ nghề. Những người bà, người mẹ trong bản Bãi Trâu vẫn kiên trì truyền dạy cho con cháu cách nhuộm chàm, thêu hoa văn, may váy áo mặc trong dịp cưới hỏi, lễ tết. Một số hộ gia đình duy trì dệt vải thủ công, sản xuất những sản phẩm nhỏ như túi, ví, khăn… và tìm cách kết nối với thị trường du lịch cộng đồng.
Nhịp sống bình yên bên khung cửi.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Lự, chính quyền xã Bản Hon phối hợp trung tâm văn hóa huyện mở các lớp truyền dạy nghề dệt, thêu cho phụ nữ và thanh niên trong bản. Một số hộ dân tổ chức nhóm sản xuất để giữ kỹ thuật dệt thêu truyền thống và mở hướng phát triển sản phẩm thủ công gắn với phát triển du lịch tại chỗ.
Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục thực hiện việc khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số rất ít người, trong đó có đồng bào dân tộc Lự tại tỉnh Lai Châu.
Bên cạnh các hoạt động tổ chức khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin tổng thể về dân tộc Lự, nghệ thuật trình diễn và trò chơi dân gian... nghề dệt thổ cẩm cũng thuộc diện khảo sát, điều tra. Qua đó, cơ quan chức năng từng bước triển khai các hoạt động hỗ trợ thực hành nghề truyền thống từ cung cấp vật tư, phương tiện, tổ chức tập huấn, truyền dạy đến quảng bá sản phẩm tại các ngày hội văn hóa, triển lãm ảnh, giới thiệu nghề dệt thổ cẩm thông qua video, clip…
Trang phục truyền thống là chỉ dấu nhận diện dân tộc.
Đồng thời, thông qua Dự án Bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam, việc truyền thông, tư vấn, kết nối và quảng bá các sản phẩm thổ cẩm Lự với khách du lịch cũng từng bước được thực hiện nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lự trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Lự.
Thổ cẩm không đơn thuần là vải vóc, đây còn là ngôn ngữ văn hóa sống động của tộc người. Mỗi đường thêu, mũi chỉ là dấu tích của bao thế hệ cha ông đã tích lũy, gửi gắm và mang theo những ký ức, kinh nghiệm, tri thức dân gian, quan niệm thẩm mỹ và niềm tự hào của cả một cộng đồng.
Những người miệt mài gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Lự.
Trong nhịp sống hôm nay, phụ nữ dân tộc Lự ở Bãi Trâu vẫn miệt mài bên khung cửi, dệt tiếp những sắc màu truyền thống cho đời sống đương đại. Tiếng thoi lách cách vang lên mỗi sớm chiều không chỉ là âm thanh lao động mà là nhịp điệu văn hóa của một dân tộc đang dồn tâm sức gìn giữ bản sắc dưới chân núi Hoàng Liên.
NGỌC LIÊN VŨ LINH
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/sac-tho-cam-duoi-chan-nui-hoang-lien-post878732.html