Xã hội hóa sách giáo khoa được đánh giá là một bước đi phù hợp trong tiến trình đổi mới giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh một cách toàn diện.
Sau một thời gian thực hiện, chủ trương này đã dần bộc lộ nhiều ưu điểm rõ nét. Trong đó, đáng chú ý là việc cải thiện, nâng cao chất lượng sách ngày một tốt hơn về cả nội dung lẫn hình thức.
Vừa là cán bộ quản lý nhà trường, vừa trực tiếp tham gia giảng dạy, cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương ( Hà Nội) đã có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về quá trình triển khai xã hội hóa sách giáo khoa trong thực tiễn.
Theo cô, một trong những điểm nổi bật nhất của việc triển khai mô hình “một chương trình – nhiều bộ sách” chính là tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá trong cách tiếp cận dạy và học.
Trước đây, khi chỉ có duy nhất một bộ sách giáo khoa chính thống, giáo viên hầu như không có sự lựa chọn, buộc phải sử dụng những nội dung và cách trình bày có phần rập khuôn, chưa thực sự phù hợp với đặc điểm học sinh từng vùng, từng trường.
Thế nhưng hiện nay, khi có nhiều bộ sách khác nhau cùng đáp ứng yêu cầu của một chương trình thống nhất, giáo viên được trao quyền chọn lọc và đánh giá tài liệu giảng dạy, từ đó linh hoạt xây dựng kế hoạch phù hợp với năng lực học sinh, điều kiện dạy học, đặc thù vùng miền và định hướng chuyên môn của nhà trường.
“Việc có nhiều bộ sách không chỉ mang lại sự chủ động, mà còn là cơ hội để giáo viên đổi mới phương pháp dạy học một cách sáng tạo hơn,” cô Hồng chia sẻ.
Chưa kể, khi có sự lựa chọn, giáo viên buộc phải nghiên cứu kỹ nội dung từng bộ sách, so sánh, phân tích để đưa ra quyết định phù hợp, thay vì dạy theo lối mòn. Quá trình đó kích thích tư duy chuyên môn, tinh thần tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên, đồng thời nâng cao năng lực xây dựng bài giảng và tổ chức hoạt động học tập hiệu quả.
Đối với học sinh cũng được hưởng lợi khi nội dung kiến thức được truyền đạt gần gũi, sinh động và sát với thực tiễn hơn.
Cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương ( Hà Nội). Ảnh: NVCC
Một khía cạnh khác cũng được cô Hồng đánh giá cao là tác động tích cực của quá trình xã hội hóa sách giáo khoa đến chất lượng biên soạn và xuất bản. Theo cô, khi không còn cơ chế độc quyền, nhiều nhà xuất bản, nhóm tác giả cùng tham gia vào việc biên soạn sách đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh. Mỗi đơn vị đều cố gắng đầu tư công phu hơn vào cả nội dung lẫn hình thức thể hiện, mời gọi sự tham gia của các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học có uy tín để đảm bảo chất lượng cao nhất.
Bên cạnh đó, chính sách xã hội hóa cũng đã mở rộng cánh cửa thu hút nguồn lực trí tuệ từ toàn xã hội vào quá trình làm sách, khi quy tụ không chỉ các chuyên gia từ các viện, trường đại học mà cả đội ngũ giáo viên phổ thông giàu kinh nghiệm. Sự phối hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn này giúp các bộ sách được thiết kế vừa đảm bảo tính khoa học, vừa sát với thực tế dạy học trong nhà trường phổ thông.
Đồng thời, quá trình thẩm định, đánh giá sách trước khi đưa vào sử dụng cũng được tổ chức chặt chẽ, khách quan, góp phần nâng cao tính minh bạch và chất lượng của các bộ sách đưa vào giảng dạy.
Phụ huynh không còn “đứng ngoài” việc học của con
Trong khi đó, từ góc nhìn của phụ huynh, chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa cũng mang lại nhiều thuận lợi, góp phần giúp cha mẹ dễ dàng hơn trong việc đồng hành cùng con trong quá trình học tập.
Chị Từ Thị Diệp – phụ huynh em Đỗ Thị Khánh Ngọc, học sinh Trường Trung học cơ sở Vân Tảo (xã Hồng Vân, Hà Nội) chia sẻ: “Thời gian đầu khi triển khai chủ trương một chương trình – nhiều bộ sách, phụ huynh chúng tôi thực sự cảm thấy khá hoang mang. Nhiều người lo ngại không biết con mình sẽ học sách nào, nội dung có phù hợp không, rồi việc tìm mua sách hay hỗ trợ con học ở nhà sẽ như thế nào?”.
Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, chị Diệp cho biết bản thân đã dần thay đổi suy nghĩ và nhận ra nhiều ưu điểm đáng ghi nhận.
Theo chị, việc có nhiều bộ sách giáo khoa được phân phối rộng rãi giúp quá trình tìm mua sách của phụ huynh trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Tình trạng khan hiếm, xếp hàng dài tại các nhà sách vào mỗi mùa tựu trường như trước đây đã giảm đáng kể, do nguồn cung sách đa dạng và có sự cạnh tranh giữa các đơn vị phát hành.
Bên cạnh đó, các bộ sách giáo khoa hiện nay được biên soạn theo hướng hiện đại, trực quan, dễ hiểu, không chỉ hỗ trợ học sinh tiếp cận kiến thức một cách nhẹ nhàng mà còn giúp phụ huynh dễ dàng theo dõi chương trình học của con. Nội dung sách được trình bày mạch lạc, kết hợp với nhiều hình ảnh minh họa sinh động, tạo điều kiện thuận lợi để cha mẹ cùng con ôn bài, giải thích kiến thức hoặc hướng dẫn làm bài tập tại nhà.
Trong quá trình đồng hành cùng con học tập tại nhà, chị Diệp đánh giá cao chất lượng của bộ sách giáo khoa Cánh Diều. Chị cho biết so với các bộ sách khác, sách Cánh Diều có chất lượng giấy dày dặn, độ sáng vừa phải, in ấn rõ nét và màu sắc hài hòa, không gây mỏi mắt khi đọc.
Mặt khác, hình thức sách trình bày đẹp mắt, ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu, giúp học sinh hứng thú hơn khi học và giúp phụ huynh dễ dàng tương tác với con trong quá trình học tập.
Đặc biệt, nội dung sách Cánh Diều được thiết kế mở, có tính liên hệ thực tiễn cao, góp phần giúp học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức lý thuyết mà còn rèn luyện khả năng vận dụng vào đời sống. Các bài học thường có phần gợi mở, khuyến khích tư duy phản biện và khám phá, đồng thời có thêm các gợi ý phù hợp để phụ huynh có thể tham gia hỗ trợ con học tập một cách hiệu quả tại nhà.
SGK Cánh Diều được thiết kế mở, giúp học sinh dễ dàng liên hệ thực tế. Ảnh minh họa: Đào Hiền
Trước đây, khi dạy con học ở nhà, chị Diệp thường xuyên cảm thấy luống cuống, nhất là trong việc lựa chọn bài tập phù hợp với năng lực của con. Chị chia sẻ, nhiều lúc không biết nên cho con làm dạng bài nào, mức độ ra sao để vừa đảm bảo con hiểu bài, vừa không tạo áp lực quá lớn. Tuy nhiên, với sách giáo khoa Cánh Diều, vấn đề này đã được giải quyết nhờ hệ thống bài tập được thiết kế theo hướng phân tầng, phù hợp với nhiều mức độ học sinh khác nhau.
Theo chị, việc sách giáo khoa xây dựng hệ thống bài tập theo hướng phân tầng từ cơ bản đến nâng cao sẽ giúp học sinh có thể lựa chọn và làm bài phù hợp với khả năng. Nhờ vậy, các con sẽ không còn cảm thấy quá tải hay lo lắng khi học bài, mà tiếp cận kiến thức một cách nhẹ nhàng, tự nhiên hơn.
Đồng thời, với vai trò là phụ huynh cũng dễ dàng quan sát, đánh giá năng lực và mức độ hiểu bài của con qua từng dạng bài tập cụ thể.
“Việc thiết kế hệ thống bài tập khoa học, linh hoạt như sách giáo khoa Cánh Diều đang làm không chỉ giúp giảm áp lực cho học sinh mà còn góp phần nâng cao vai trò của phụ huynh trong quá trình đồng hành học tập tại nhà.
Từ chỗ bị động và loay hoay, giờ đây không chỉ riêng tôi mà nhiều phụ huynh có con học sách giáo khoa Cánh Diều có thể tự tin hơn khi cùng con học, hiểu rõ con đang ở mức độ nào và cần hỗ trợ ra sao để tiến bộ. Đây cũng chính là một trong những điểm tích cực mà xã hội hóa sách giáo khoa mang lại cho các gia đình”, chị Diệp nhấn mạnh.
Bộ sách giáo khoa Cánh Diều đang được nhiều giáo viên đánh giá cao nhờ thiết kế rõ ràng, mạch lạc, dễ sử dụng trong thực tiễn giảng dạy. Cách trình bày bài học hợp lý, nội dung gọn – rõ – linh hoạt giúp giáo viên dễ dàng xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với trình độ, năng lực của từng lớp học.
Không chỉ dừng ở nội dung sách in, Cánh Diều còn cung cấp hệ thống học liệu phong phú, hỗ trợ tối đa cho giáo viên trong quá trình chuẩn bị bài giảng. Bộ học liệu số đi kèm hiện có hơn 400 tên sách giáo khoa được số hóa, 70.000 hình ảnh minh họa, 4.000 file audio, 1.200 video clip, 2.000 kế hoạch bài dạy theo lớp và môn học, cùng với 40.000 câu hỏi và đề kiểm tra, đánh giá. Các tài nguyên này giúp giáo viên tiết kiệm đáng kể thời gian soạn bài, đồng thời nâng cao chất lượng dạy học.
Sơn Minh