Kết quả nổi bật là thành phố đã nỗ lực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phát sinh hằng ngày bảo đảm hợp vệ sinh (khoảng 6.500 tấn/ngày).
Trong đó, thành phố đã đưa Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đi vào hoạt động từ năm 2022. Đây là nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam, sử dụng công nghệ đốt rác tiên tiến của châu Âu.
Đặc biệt, thành phố cũng đã xóa được cơ bản số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ ở khu vực ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công; triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, các công trình xây dựng thi công không bảo đảm vệ sinh môi trường...
Đáng chú ý, thành phố đã thực hiện thí điểm (từ tháng 6-2024) phân loại rác tại 5 quận gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Nam Từ Liêm. Trong đó, Hoàn Kiếm là quận triển khai thành công nhất với 334 tấn, chiếm 89% tổng khối lượng chất thải tái chế thu gom. Kết quả ý nghĩa từ phân loại rác là người dân đã có thói quen thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế tình trạng bỏ rác không đúng giờ hay đúng nơi quy định.
Nhằm tiếp tục tạo ra sự thay đổi toàn diện và sâu rộng, mang tính đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Kế hoạch số 359/KH-UBND ngày 10-12-2024 về việc thực hiện phong trào thi đua sáng, xanh, sạch, đẹp của thành phố. Trong đó, nổi bật là thành phố tổ chức rộng khắp, liên tục, thường xuyên các phong trào: Chương trình "Cuối tuần xanh"; mô hình "Phân loại rác thải tại nguồn"; tổ chức chiến dịch "Hồi sinh sông hồ Hà Nội", "Ven hồ không rác", "Ngày hội quanh hồ"; tái sinh không gian công cộng ven sông hồ; cùng Hành động vì bầu không khí sạch, thành phố xanh. Thành phố cũng thực hiện các chính sách khuyến khích, trợ giá lắp đặt hệ thống thoát nước cho các hộ gia đình khó khăn, khu vực khó tiếp cận; chính sách khuyến khích xử lý nước thải tại nguồn.
Đặc biệt, thành phố ứng dụng công nghệ số, phát triển ứng dụng hoặc cổng thông tin để người dân báo cáo nhanh các điểm xả thải trái phép, tắc nghẽn cống rãnh, hoặc ô nhiễm nước mặt; xây dựng cơ chế thưởng cho người dân cung cấp thông tin hữu ích về các vi phạm liên quan đến xả thải…
Như vậy, yêu cầu đặt ra với các cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi người dân trên địa bàn thành phố là cần thực hiện các phong trào thi đua sáng, xanh, sạch, đẹp ở khu dân cư thường xuyên, liên tục, thực chất; tuyệt đối tránh tình trạng “trống giong cờ mở” rồi lại bỏ ngang hoặc cầm chừng... Nói cách khác, phải làm bài bản hơn, căn cơ hơn, tránh căn bệnh hình thức. Cách thức thực hiện phải thiết thực, có sự tham gia của toàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, đoàn thể, lan tỏa, trở thành thói quen, nếp sống văn hóa trong đời sống nhân dân Thủ đô.
Điều cần nữa là thường xuyên kiểm tra, xử lý đúng pháp luật đối với những hành vi vi phạm về môi trường. Tất cả nhằm nâng cao nhận thức và hành vi ứng xử đối với môi trường Thủ đô, khuyến khích mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan và đơn vị chủ động giữ sạch nhà, sạch phố và sạch môi trường sống, xây dựng nếp sống văn minh và có trách nhiệm với cộng đồng.
Bắc Vũ