Các cuốn ebook tiểu sử của Elon Musk bị làm lậu và rao bán trên mạng. Ảnh: Đức Huy.
Cách đây không lâu, một độc giả trẻ tuổi đã chia sẻ câu chuyện của mình khi tìm kiếm cuốn sách tiểu sử về tỷ phú Elon Musk. Với mong muốn sở hữu phiên bản điện tử của cuốn sách, người này đã đăng bài trên một số hội nhóm tìm kiếm ebook trên mạng xã hội.
Ngay lập tức, một tài khoản Facebook phản hồi, giới thiệu loạt tựa sách liên quan. Những cái tên như The Space Barons của Christian Davenport, Elon Musk của Ashlee Vance (xuất bản năm 2013 bởi Omega), và Elon Musk: Từ ước mơ đến hành trình quá giang và giải ngân hà của Alphabooks nhanh chóng được đề cập. Điều đáng chú ý là tất cả đều là sách lậu, được rao bán với giá chỉ 15.000 đồng mỗi file.
Ebook lậu xâm chiếm không gian mạng
Theo lời kể của độc giả trên, người bán hàng tỏ ra chuyên nghiệp, thậm chí sẵn sàng gửi một phần lời giới thiệu của sách để mời chào khách hàng. Phần nội dung được cung cấp khá chỉn chu, cho thấy đây là bản dịch từ các đơn vị làm sách chính thức. Người bán cũng khẳng định rằng họ có thể đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào về sách, từ tiểu thuyết, kinh tế, đến khoa học.
Kẻ rao bán ebook lậu ngang nhiên kêu gọi người mua ủng hộ.
Sự việc không dừng lại ở đó khi người bán tiếp tục giới thiệu thêm những cuốn sách như Chiến tranh tiền tệ hay Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để dẫn đầu. Một số sách dường như được dịch bằng AI, không hề có thông tin bản quyền hoặc tên các nhà xuất bản uy tín. Ví dụ điển hình là cuốn Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để dẫn đầu không có dấu hiệu chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Để tăng uy tín cho bản rao bán của mình, một số tài khoản mạng xã hội còn scan cả bản sách có chữ ký tác giả. Không chỉ dừng lại ở mức giá 15.000 - 50.000 đồng, các tài khoản mạng xã hội này còn ngang nhiên kêu gọi người mua ủng hộ tới 75.000 đồng cho file cuốn Tiểu sử Elon Musk. Đại diện Alpha Books, đơn vị sở hữu bản quyền tiếng Việt cuốn sách, cho biết không cấp quyền kinh doanh ebook cho bất cứ bên nào.
Thực trạng trên cho thấy ebook lậu đang tràn lan trên không gian mạng. Người bán không chỉ tiếp cận người mua nhanh chóng mà còn cung cấp đa dạng thể loại sách với mức giá cực thấp, phá vỡ thị trường sách điện tử chính thống. Những sản phẩm này, dù có vẻ chỉn chu, thực chất là kết quả của việc xâm phạm bản quyền, gây tổn hại nghiêm trọng đến các nhà xuất bản và tác giả.
Doanh nghiệp sách chịu thiệt hại từ vấn nạn in lậu
Tình trạng sách giả và sách lậu trên thị trường đang đẩy các doanh nghiệp sách vào thế khó, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn uy tín. Nhà văn Hà Thủy Nguyên - đại diện Book Hunter - cho biết cuốn Khoa học của nghệ thuật trà vừa ra mắt tháng 11/2024 đã bị làm giả một cách tinh vi khiến nhiều độc giả phẫn nộ. Dù Book Hunter liên tục cảnh báo, các trang bán sách lậu vẫn ngang nhiên hoạt động, chào bán sách giả với giá chỉ thấp hơn sách thật khoảng 20%, nhưng chất lượng lại kém xa.
Sách giả thường sử dụng giấy lộn, không có màu, căn lề sai, và không được đóng tay gập cẩn thận. Dù vậy, với thủ đoạn tinh vi, những đối tượng làm sách lậu vẫn dễ dàng lừa người mua. Bà Hà Thủy Nguyên cho biết: “Chỉ cần một máy scan chất lượng cao, họ có thể sao chép nguyên vẹn nội dung của cuốn sách, đặc biệt là những cuốn dưới 300 trang. Các đối tượng còn lập fanpage giả, sử dụng tên và thông tin gần giống các nhà phát hành chính thức để đánh lừa người tiêu dùng”.
Sách thật (bên trái), sách giả (bên phải). Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Không chỉ riêng Book Hunter, nhiều nhà xuất bản và đơn vị kinh doanh sách khác cũng lao đao vì vấn nạn này. Theo đại diện một công ty sách, trong năm 2024, công ty đã phải đối mặt với việc hàng loạt cuốn sách học thuật bị làm giả. Các sách học thuật, vốn có giá cao do chi phí tác quyền, dịch thuật và biên tập, nay bị sách giả cạnh tranh không lành mạnh. Một cuốn sách giả như Thế giới như là ý chí và biểu tượng bị rao bán với giá chỉ 253.000 đồng, trong khi giá gốc lên tới 500.000 đồng.
Tình trạng này không chỉ dừng ở việc làm giả sách, mà còn kèm theo những chiêu trò mạo danh để trục lợi. Đơn cử, công ty Thời Đại từng bị giả mạo bán sách với giá gốc cao, sau đó quảng cáo giảm 50% nhằm thu hút người mua. Khi phát hiện, các đối tượng nhanh chóng đổi tên từ "Thời Đại" thành "Tân Thời Đại" để tiếp tục hoạt động.
Đại diện nhà xuất bản Trẻ chia sẻ đơn vị đã phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý vấn nạn này, đồng thời khuyến cáo độc giả chỉ nên mua sách qua các kênh phân phối chính hãng. Tuy nhiên, với sự tràn lan của sách giả, việc phân biệt thật - giả ngày càng trở nên khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng.
Trên mạng xã hội, sách giả được rao bán với giá rất thấp, chẳng hạn bộ sách Những nhà tư tưởng lớn trong 60 phút chỉ 450.000 đồng cho cả 9 tập. Trong khi đó, các đơn vị sách thật phải chấp nhận mức chiết khấu lên tới 35-40% để duy trì sức cạnh tranh, thậm chí bán huề vốn. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn: "Liệu khách hàng sẽ còn muốn mua sách thật khi sách giả rẻ hơn rất nhiều?"
Mới đây, công ty First News đã công bố chuẩn bị khởi kiện nền tảng thương mại Shopee vì trên sàn có hiện tượng các gian hàng sách giả lộng hành. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến những đơn vị làm ăn chân chính trong ngành xuất bản. Động thái quyết liệt này hiện nhận được nhiều sự ủng hộ của độc giả lẫn người trong ngành.
Đức Huy