Sacombank đã xử lý được 13/14 mục tiêu mà Ngân hàng nhà nước giao

Sacombank đã xử lý được 13/14 mục tiêu mà Ngân hàng nhà nước giao
8 giờ trướcBài gốc
Ngày 25-4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 với sự tham dự của hàng nghìn cổ đông.
Trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu, NHNN và cơ quan thanh tra đã giao cho Sacombank 14 mục tiêu cần phải xử lý. Đến nay, Sacombank đã xử lý được 13/14 mục tiêu của đề án, chỉ còn một vấn đề cuối cùng là xử lý nợ xấu của ông Trầm Bê và những người có liên quan.
Một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm trong nhiều năm qua đó là việc xử lý khoản nợ xấu liên quan ông Trầm Bê.
Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng giám đốc Sacombank cho biết: Đây là khoản nợ được đảm bảo bằng một lượng lớn cổ phiếu STB và phương án xử lý khoản nợ xấu này trong những năm qua gặp nhiều khó khăn, trong khi thực tế thị trường chưa từng có tiền lệ xử lý vụ việc nào tương tự.
Từ nhiều năm trước, cũng như trong năm 2024, Sacombank tiếp tục trình Ngân hàng Nhà nước nhiều phương án xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật. Chẳng hạn như đề ra phương án mua lại nợ đã bán cho VAMC và đấu giá lại thông qua công ty độc lập. Hiện đang chờ quyết định cuối cùng của NHNN để có thể chính thức công bố hoàn thành Đề án tái cơ cấu.
Trong năm 2025, chúng tôi tự tin hoàn thành các mục tiêu kinh doanh đề ra và quyết tâm thúc đẩy tiến trình làm việc với Ngân hàng Nhà nước để chính thức công bố hoàn tất đề án tái cơ cấu sau sáp nhập” bà Diễm cho biết.
Các cổ đông trao đổi tại hội nghị. Ảnh: T.L
Thông tin thêm về khoản nợ này, Sacombank cho biết: Tính đến ngày 31-12-2016, tổng nợ gốc là 35.400 tỉ đồng, lãi dự thu theo đề án là hơn 12.919 tỉ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến hết năm 2024, Sacombank đã thu hồi được 25.612 tỉ đồng. Đáng chú ý, tổng lãi còn phải trả theo hợp đồng đến 31-12-2024 lên tới 57.605 tỉ đồng.
Đối với câu hỏi sau khi xử lý xong nợ gốc, lãi và các khoản phải thu, số tiền dôi dư thu được sẽ thuộc về VAMC hay Sacombank, bà Diễm cho biết: Về vấn đề này, chúng tôi sẽ trình với NHNN, tuy nhiên với khoản lãi treo lên đến hơn 57.000 tỉ đồng thì chắc chắc chắn không thể nào dư. Đồng thời, khoản nợ sẽ được Sacombank bán đấu giá công khai minh bạch theo quy định pháp luật.
Cũng liên quan đến vấn đề nợ xấu, một số cổ đông thắc mắc vì sao nợ nhóm 5 trong năm 2024 lại tăng? Với tình hình kinh tế 2025 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn thì liệu các khoản nợ nhóm 3, 4, 5 có tăng nữa không?
Chia sẻ với cổ đông, bà Diễm nhấn mạnh: Tỉ lệ nợ xấu của Sacombank trong năm 2024 vẫn kiểm soát ở mức 2%. Việc tỉ lệ nợ nhóm 5 tăng chủ yếu là được chuyển từ nợ nhóm 3, 4. Việc phát sinh tăng nợ quá hạn chúng tôi vẫn kiểm soát được. Trong năm 2025, mục tiêu vẫn giữ tỉ lệ nợ xấu ở mức 2%, cộng với việc xử lý những khoản nợ tồn đọng cuối cùng theo đề án.
Đối với khoản nợ tại KCN Phong Phú, trong năm 2024, Sacombank đã thu hồi hơn 1.500 tỉ đồng trong năm 2024, qua đó giúp giảm tỉ lệ nợ xấu và hoàn nhập chi phí dự phòng. Mục tiêu của chúng tôi là trong hai năm (2025 – 2026) ngân hàng sẽ tiếp tục làm việc với khách hàng đã trúng đấu giá để thu hồi đủ giá trị khoản nợ.
Kết quả kinh doanh quý I-2025 của Sacombank khá khả quan. Huy động thị trường 1 tăng 3,3%, cho vay tăng 4,7% so với cuối năm 2024. Về kiểm soát tỉ lệ nợ xấu đang ở mức 2,2%, tăng nhẹ 0,2% do khách hàng bị ảnh hưởng bởi khó khăn chung và nền kinh tế đang phục hồi chậm.
Đặc biệt là thị trường bất động sản chưa phục hồi như kỳ vọng kéo theo việc xử lý một số khoản vay của khách hàng chưa thuận lợi.
Lợi nhuận trước thuế quý I đạt 3.674 tỉ đồng, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 25,1% so với kế hoạch cả năm.
THÙY LINH
Nguồn PLO : https://plo.vn/sacombank-da-xu-ly-duoc-1314-muc-tieu-ma-ngan-hang-nha-nuoc-giao-post846544.html