Đoàn tàu đưa chiến sĩ thuộc lực lượng diễu binh, diễu hành của Bộ Quốc phòng khởi hành từ Hà Nội vào TPHCM. Ảnh: Xuân Phú.
Tôi tình cờ bắt gặp đoàn tàu chở cán bộ chiến sĩ và lực lượng dân quân tự vệ vào TPHCM tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Tự nhiên, lòng tôi cảm thấy rộn vui khi nghe văng vẳng bên tai những lời ca hào sảng: “Nơi thành đô trong ánh điện quang tiếng nấc nghẹn câu cười/Khu nhà tranh năm cánh ngoại ô rên xiết đêm ngày/Quê nhà ta đau đớn lầm than sao bóp nghẹt tim người/ Sài Gòn ơi ta đã về đây, ta đã về đây...” (Tiến về Sài Gòn).
Bối cảnh sáng tác bài hát trên của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cách đây hơn nửa thế kỷ, khi Sài Gòn còn nằm trong sự kìm kẹp của Mỹ - ngụy, còn nay, sau tròn 50 năm ngày giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất, Sài Gòn vinh dự được mang tên Hồ Chí Minh, đã có những bước tiến vượt bậc, là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và giáo dục - đào tạo của cả nước; là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.
Bộ mặt đô thị của TPHCM đã thay da, đổi thịt, nhiều khu đô thị mới được quy hoạch; nhiều tòa nhà chọc trời mọc lên, trong đó có tòa nhà Bitexco được coi là biểu tượng cho sự thịnh vượng của thành phố. Mới đây, khi tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được khai trương, càng thêm minh chứng cho hướng phát triển ngày một hiện đại của Sài Gòn.
Hiện nay, tăng trưởng bình quân của TPHCM đạt khoảng 8 đến 8,5%/năm; GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; trong đó, kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.
Mục tiêu của TPHCM, là đến năm 2045 phấn đấu phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Nhìn đoàn tàu gắn băng rôn, khẩu hiệu, chở các đơn vị lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ chạy trên đường ray xe lửa xa dần về hướng đường Giải Phóng để tiến vào miền Nam, ký ức trong tôi như sống lại về đoàn tàu năm ấy. Đó là ngày 31/12/1976, một năm sau ngày đất nước thống nhất, bố tôi được cơ quan phân phối cho mua chiếc xe đạp mang tên Thống Nhất.
Tôi được bố đèo bằng xe đạp, ra Công viên Thống Nhất chơi. Đúng lúc ấy, đoàn tàu Thống Nhất xuất phát từ ga Hà Nội, chạy qua đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn) tiến về hướng Quốc lộ 1. Bố tôi bảo, cũng thời điểm này, một đoàn tàu xuất phát từ ga Sài Gòn tiến về Thủ đô, đánh dấu thời khắc lịch sử: Bắc - Nam sum họp một nhà, giang sơn nối liền một dải.
Với trí nhớ non nớt của một cậu bé mới ở tuổi cắp sách đến trường, tôi vẫn cảm nhận rõ niềm vui vỡ òa trên khuôn mặt bố, cũng như những người được tận mắt chứng kiến đoàn tàu Thống Nhất chạy qua cổng Công viên Thống Nhất năm đó.
“Thống nhất” là khát khao của cả một dân tộc, thôi thúc cả một thế hệ thanh niên thời ấy “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; họ khắc trong tim mình câu nói bất hủ: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” để sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khát vọng “Thống nhất” tạo nên một sức mạnh nội sinh to lớn, tạo nên một quân đội anh hùng, “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đó cũng là căn nguyên lý giải vì sao, cụm từ “Thống nhất” được ưa chuộng và được gắn tên cho nhiều sản phẩm, tên hiệu đến vậy...
Với thế hệ chúng tôi và thế hệ sinh sau năm 1975, những câu chuyện về thống nhất hai miền Nam - Bắc, về chiến thắng 30/4, đã ghi vào sử sách và là bài học lịch sử khi ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng có những câu chuyện thấm vào tâm trí sâu hơn, đó là những câu chuyện được kể từ chính những người thân ruột thịt trong gia đình.
Chiến tranh đã đi qua, đất nước đã thống nhất, người dân được sống trong hòa bình, ấm no, giàu mạnh. Nhưng cái giá của thống nhất, của hòa bình vẫn còn là nỗi đau âm ỉ trên vết thương của người chú, người bác trong gia đình, dòng họ; là nỗi đau của những thân nhân liệt sĩ, có người thân hiện giờ vẫn còn chưa tìm được hài cốt... Biết ơn họ để cảm nhận rõ hai chữ “hòa bình”!
Trần Minh