Sài Gòn sống động qua ký ức cố nhà văn Lê Văn Nghĩa

Sài Gòn sống động qua ký ức cố nhà văn Lê Văn Nghĩa
5 giờ trướcBài gốc
Nổi tiếng với những cuốn sách được độc giả yêu thích viết về ký ức tuổi thơ, như: Mùa hè năm Petrus, Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy; Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ… nhắc đến Lê Văn Nghĩa, người ta lại nhớ đến một Sài Gòn hào hoa, vui tươi với nhiều kỷ niệm trong sáng của thời gian trước.
Nhưng không chỉ có những mẫu chuyện con con, cố nhà văn còn có nhiều bài viết thú vị xoay quanh những điều đặc biệt về vùng đất này mà như ông nói trong bài Chuyện về một cái cột cờ, rằng: “Nói ra thì mắc cỡ chứ cái gì quá quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày mình tưởng biết hết, chứ thật ra có biết gì đâu”.
Cố nhà văn Lê Văn Nghĩa. Ảnh: Hội nhà văn TP.HCM
Những nhỏ bé đẹp đẽ
Và đúng như thế, bởi nếu không đọc tác phẩm này, nhiều người làm sao biết công trình màu trắng tại số 4 Tôn Đức Thắng (Quận 1) vẫn thường thấy khi đi ngang qua hằng ngày lại được thiết kế bởi “kiến trúc sư” Nguyễn Trường Tộ - người nổi tiếng với các ý tưởng canh tân đất nước?
Và cũng làm sao ta biết ngôi chùa từng có cái tên rất “Tây” là Mạch Lô (nay là chùa Quán Thế Âm trên đường Thích Quảng Đức, Phú Nhuận) lại có gốc gác từ “matelo - lính thủy”, do hai người Việt bị cưỡng bức lao động sang Pháp trong Thế chiến thứ II dựng nên, bởi khi thuyền bị đắm họ đã hứa rằng nếu như sống sót mình sẽ lập chùa?
Bìa cuốn tạp văn Sài Gòn đi qua ký ức. Ảnh: NXB Trẻ
Ngoài những phát hiện độc đáo như đã kể trên, trong tập sách này, rất nhiều giai thoại về những công trình, di tích vốn có câu chuyện lịch sử riêng, cũng được kể lại. Không tập trung vào những “đối tượng” đã được nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn đi trước khai thác, “chủ thể” trong cuốn sách này của Lê Văn Nghĩa không mấy quen thuộc nhưng ẩn sau đó là nhiều câu chuyện rất đỗi thú vị.
Cách ông tiếp cận những tư liệu này cũng rất độc đáo. Có khi là những ký ức bản thân trực tiếp trải qua như thời đi học, như những buổi sớm đi chơi chợ Tết với người chị gái... nhưng cũng có khi lần mò trong những trang viết của các nhà “Nam bộ học” như Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy...
Chẳng hạn trong bài Sài Gòn có một đình thờ Ông Súng, ông cho ta biết hóa ra Quận 3 có thờ một khẩu đại bác chưa được thống nhất về mặt nguồn gốc. Có người cho rằng nó đã góp phần diệt nhiều giặc Pháp trong trận đồn Kỳ Hòa, nhưng cũng có người cho đây là công cụ được Lãnh binh Lê Đường Cung chỉ huy trong một trận đánh khốc liệt...
Theo nhà văn Lê Văn Nghĩa, việc thờ ông Súng cho thấy tấm lòng hướng đến những cá nhân vị quốc vong thân của người Sài Gòn. Ảnh: Hồ Tường
Hay trong bài viết về cầu Nhị Thiên Đường (Quận 8) cũng thế, vì sao cái cầu lại mang tên một hãng dầu gió cũng được ông đưa ra nhiều giả thuyết. Có người cho rằng vì ông chủ hãng này khi thấy dân chúng khổ cực phải đi đò nên đã bắt tay xây dựng, nhưng cũng có người cho ông đã "xã hội hóa" cùng chính phủ Pháp để xây cây cầu...
Cũng từ những đối tượng này mà ông lần ngược trở về quá khứ, để vẽ nên một bức tranh khảm về Sài Gòn xưa bắt nguồn từ trong ký ức. Chúng có thể “nhỏ” và gắn với một địa điểm nhất định như trò “cá mưa” của người dân sống quanh cầu Nhị Thiên Đường, xem xem trời có mưa không dựa trên mây, gió của thời điểm đó... nhưng cũng thể nằm đó lắng sâu như những tà áo dài trắng ám mãi không thôi.
Không chỉ có một mà trong nhiều bài viết, ông đã mang ta về lại một thời áo trắng hồn nhiên, tinh nghịch, khi "Trai Pétrus Ký gái Gia Long", thì nữ sinh trường Trưng Vương lại là "của riêng" của những học sinh trường Chu Văn An... Ông cũng tìm về Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM để viết về không gian ấy và những ước mơ của tuổi thiếu thời, khi từng muốn lớn để được vào đây nhưng khi lớn rồi thì những tà áo thơ mộng đã không còn nữa...
Phần dạ cầu hình vòm đặc biệt của cầu Nhị Thiên Đường. Ảnh: Đức Nam
Không chỉ tập trung riêng vào vùng đất Sài Gòn, mà vùng Gia Định cũng được ông nhắc đến với Lăng Ông, cầu Bông và khu thương mại phân phối khăn đen Suối Đờn... Tuy ít biết đến nhưng ông cũng nhắc về những nữ sinh của trường Lê Văn Duyệt, những họa sĩ tương lai đến trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn và các bác sĩ đến thực tập tại bệnh viện Nguyễn Văn Học (nay là Gia Định) làm nên cảnh trí nô nức của một thời kỳ...
Những tâm tình dào dạt
Và từ những trang viết này, cố tác giả Lê Văn Nghĩa cũng gợi ra nhiều cảm xúc lớn hiện diện sau đó. Chẳng hạn ông cho ta thấy tấm lòng của người Sài Gòn dào dạt thế nào khi luôn nhớ đến những người đã vị quốc vong thân bằng tên của những con đường, bằng những đình thờ, miếu mạo hương đóm quanh năm...
Điều đó cũng giống như nhà văn Bình Nguyên Lộc từng viết trong Những bước chân lang thang trên hè phố, khi cho rằng người dân thành phố sống chung với mồ mả của những người đi dựng nước trong những cuộc chiến dài nhiều thập kỷ. Nơi đâu chẳng có xương máu tiền nhân, nơi nào chẳng có dấu tích lịch sử?
Ngoài điều đó ra ông cũng ca ngợi những bậc vĩ nhân đã để lại nhiều công trình đẹp và có giá trị. Đó là người thiết kế chưa được xác định của cầu Nhị Thiên Đường khi dưới chân cầu có một dãy dài các mái vòm cong có hình dạng cổ xưa, có hàng cột xanh rêu cầu... dễ gợi liên tưởng tới những cây cầu huyền thoại của thành Rome trong các phim cổ trang hay các cây cầu cổ nổi tiếng ở châu Âu...
Và cũng vào thời mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nhận xét: “Dinh Thống đốc mà người Pháp còn phải mua của người Anh ở Singapore mang qua Sài Gòn lắp ráp”, thì Nguyễn Trường Tộ với sự tự học đã thiết kế được “một giáo đường huy hoàng với đường nét thẩm mỹ lối Gothique [...] gợi lên cảm tưởng nhẹ nhàng vì sự thành công của vị kiến trúc sư làm cho ai vào đó cũng cảm thấy thoát tục” như nhận định của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.
Công trình do Nguyễn Trường Tộ thiết kế. Ảnh: Trang web Quê hương ta nhớ
Sài Gòn của ông cũng là một nơi chào đón đa dạng sắc dân, từ người Minh Hương đến vùng Ngũ Quảng, từ đó làm nên một đại đô thị phong phú sắc màu. Có thể nhìn thấy ở tên của những con xóm nhằm chỉ ngành nghề, từ Xóm Chỉ, Xóm Chiếu, xóm Lò Siêu, Lò Gốm, Lò Lu, Xóm Củi, Xóm Lò Than, Xóm Hột Vịt… Đó cũng là khu chợ Bà Hoa nổi tiếng một thời được mệnh danh là “Quảng quốc” với những hàng quán buôn bán thức ăn quê nội quê ngoại đầy những hoài nhớ...
Trong sách ông cũng dành ra nhiều bài viết về ẩm thực, từ phở, nước mắm, kẹo mạch nha... đến nước mía, bánh mì, cà phê... Không có ý định trở thành một nhà phê bình ẩm thực đi vào sử sách kiểu Vũ Bằng, Nguyễn Tuân... mà thay vào đó ông xoáy sâu hơn vào không gian thưởng thức hè phố và sự phù hợp của lối sống Sài Gòn với sự tiếp biến của những thức này, từ đó mở ra nhiều nhãn quan mới.
Phóng chiếu từ quá khứ ấy đến hiện tại, tác giả Lê Văn Nghĩa cũng không khỏi nén xuống tiếng thở dài trước rất nhiều thứ đang dần mất đi, từ những công trình gắn liền với văn hóa và lịch sử nhiều tuổi cổ, những hàng cây xanh giờ đã đốn trụi cho đến đình thờ, miếu mạo giờ luôn cửa đóng then cài, không còn nhang khói...
Khép lại cuốn sách, như cố nhà văn có lần từng viết: “Tôi viết để học, viết để biết về Sài Gòn mà tôi tưởng chừng như đã biết mà chẳng biết gì nhiều. Tôi như người thợ may vá lại tâm hồn mình, khâu lại mảnh thời gian của Sài Gòn tuổi nhỏ”. Qua những trang sách Sài Gòn đi qua ký ức, độc giả sẽ có cơ hội xuôi ngược về những ngày xưa tươi đẹp bằng các đường khâu tỉ mỉ và nhiều tình cảm.
Minh Anh
Nguồn Người Đô Thị : https://nguoidothi.net.vn/sai-gon-song-dong-qua-ky-uc-co-nha-van-le-van-nghia-47054.html