Sai lầm nhiều người Việt mắc phải khi bảo quản trứng trong tủ lạnh, coi chừng rước họa vào thân

Sai lầm nhiều người Việt mắc phải khi bảo quản trứng trong tủ lạnh, coi chừng rước họa vào thân
5 giờ trướcBài gốc
Dù trứng có vẻ ngoài hoàn toàn bình thường, nhưng theo các chuyên gia an toàn thực phẩm, việc bảo quản không đúng cách có thể khiến loại thực phẩm quen thuộc này trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng.
Tiềm ẩn nguy cơ nếu để sai cách
Các chuyên gia cảnh báo, một số thói quen sai lầm trong bảo quản trứng – như để trứng ở nhiệt độ phòng quá lâu hoặc cất ở cánh cửa tủ lạnh – có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, đặc biệt là vi khuẩn salmonella. Dù bạn không thấy mùi lạ hay dấu hiệu hư hỏng, trứng vẫn có thể không an toàn để sử dụng nếu không được xử lý đúng cách.
Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Vương quốc Anh (UK Food Standards Agency) cho biết: “Trứng nên được bảo quản ở nhiệt độ khoảng 4 độ C và trong một khu vực có nhiệt độ ổn định. Việc thay đổi nhiệt độ liên tục – như tại cánh cửa tủ lạnh – có thể khiến hơi nước ngưng tụ trên vỏ trứng, tạo điều kiện cho vi khuẩn từ bên ngoài thâm nhập vào bên trong”.
Ảnh minh họa
Đừng để trứng ở cánh cửa tủ lạnh
Một sai lầm phổ biến của nhiều gia đình là đặt trứng vào khay ở cánh cửa tủ lạnh. Đây là khu vực có nhiệt độ thay đổi thường xuyên do đóng mở liên tục, khiến trứng dễ hư và giảm chất lượng.
Thay vào đó, các chuyên gia khuyên nên đặt trứng ở khu vực sâu bên trong tủ lạnh – nơi giữ được nhiệt độ ổn định – và nên giữ trứng trong hộp gốc của nhà sản xuất để tránh trứng hấp thụ mùi từ các thực phẩm khác, đồng thời giảm nguy cơ nứt, vỡ.
Ngoài ra, trứng nên được sử dụng theo thứ tự ngày hết hạn, ưu tiên dùng trứng cũ trước để đảm bảo độ tươi ngon.
Không đập sẵn trứng để dùng dần
Việc đập trứng ra sẵn để dùng sau là thói quen của nhiều người, song tiềm ẩn nguy cơ lớn. UK Food Standards Agency khuyến cáo: Nếu đã đập trứng, nên bảo quản phần trứng sống trong hộp kín, đặt trong tủ lạnh và sử dụng trong vòng 24 giờ. Tuyệt đối không để ở nhiệt độ phòng và không trộn trứng mới với trứng cũ trong cùng một hộp.
Chỉ nên đập số lượng trứng đủ dùng trong ngày và sử dụng hết trước khi mở mẻ mới.
Tránh xa thịt sống và trứng bẩn
Để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn chéo, trứng nên được bảo quản cách xa thịt sống và các thực phẩm tươi sống khác. Tuyệt đối không sử dụng trứng bị nứt, bẩn hoặc có dấu hiệu bất thường, vì đó là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn xâm nhập, gây ngộ độc thực phẩm.
Trứng chín nên ăn ngay
Sau khi nấu chín, trứng nên được tiêu thụ trong thời gian ngắn. Nếu có thừa, cần bảo quản đúng cách và dùng trong vòng 24 giờ để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Minh Khuê (Theo Express)
Nguồn Góc nhìn pháp lý : https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/sai-lam-nhieu-nguoi-viet-mac-phai-khi-bao-quan-trung-trong-tu-lanh-coi-chung-ruoc-hoa-vao-than-15878.html