Đột quỵ có thể gây tử vong nếu bỏ lỡ thời gian vàng cấp cứu. Ảnh: Freepik.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 200.000 trường hợp đột quỵ, trong đó 2/3 người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ tử vong hoặc chịu di chứng lâu dài. Trung bình, cứ 4 người trên 25 tuổi sẽ có một người đã và sẽ bị đột quỵ.
Năm 2023, cả nước ghi nhận gần 160.000 trường hợp tử vong do đột quỵ, bao gồm tắc mạch não và xuất huyết não. Tỷ lệ tử vong gia tăng không chỉ do nhập viện quá muộn, ngoài "giờ vàng", mà còn vì những sai lầm trong sơ cứu ban đầu, dẫn đến hậu quả đau lòng.
Bôi dầu nóng, cạo gió, cắt lể để trị đột quỵ
Theo ThS.BS Phạm Nguyên Bình, khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), không ít gia đình khi có người thân bị đột quỵ đã áp dụng các phương pháp truyền miệng như bôi dầu nóng, cạo gió, cắt lể.Tuy nhiên, đây là những phương pháp không có cơ sở khoa học và không mang lại hiệu quả trong điều trị đột quỵ.
Bác sĩ Bình cho biết, bệnh nhân đột quỵ khi nhập viện thường được chỉ định tiêm thuốc xử lý vùng tĩnh mạch. Việc bệnh nhân đã cắt lể trước đó có thể gây biến chứng chảy máu, làm tăng nguy cơ và khó khăn trong điều trị.
"Giờ vàng" trong cấp cứu đột quỵ nhồi máu não được khuyến cáo là 3-4,5 giờ đầu kể từ khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên. Việc áp dụng những phương pháp không khoa học không chỉ không có tác dụng mà còn làm bệnh nhân mất cơ hội được cứu chữa kịp thời. Điều này dẫn đến giảm tỷ lệ sống sót và tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.
Dùng thuốc tuần hoàn não để sơ cứu
Một trong những dạng đột quỵ phổ biến nhất là đột quỵ thiếu máu não (hay nhồi máu não). Đây là tình trạng mạch máu bị tắc nghẽn do huyết khối, làm gián đoạn dòng máu cung cấp cho não. Bệnh nhân nhồi máu não thường có biểu hiện như nói ngọng, méo miệng, yếu hoặc liệt tay chân.
Thuốc bổ não được biết đến với tác dụng tăng cường tuần hoàn máu lên não, cung cấp oxy và dưỡng chất, giảm triệu chứng đau đầu, chóng mặt, hoặc hỗ trợ an thần. Tuy nhiên, bác sĩ khẳng định rằng các triệu chứng này không phải là dấu hiệu điển hình của đột quỵ. Đau đầu, chóng mặt hay mất ngủ thường liên quan đến các bệnh lý khác như rối loạn tiền đình hoặc suy nhược thần kinh.
Vì vậy, thuốc tuần hoàn não không có tác dụng trong điều trị đột quỵ thiếu máu não. Việc lạm dụng thuốc không chỉ không mang lại hiệu quả mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Người dân cần lưu ý, khi có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế ngay lập tức để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Dấu hiệu sớm của đột quỵ
Thời gian là yếu tố sống còn trong điều trị đột quỵ. Khi phát hiện người thân có các dấu hiệu dưới đây, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để đảm bảo "thời gian vàng" trong cấp cứu:
F (Face – Khuôn mặt): Một bên khuôn mặt chảy xệ, mắt sụp xuống hoặc miệng méo sang một bên. Khi cười, hai bên mặt mất cân đối rõ rệt.
A (Arms – Cánh tay): Một hoặc cả hai cánh tay không thể nâng lên qua đầu, hoặc có thể nâng lên nhưng rơi xuống ngay lập tức.
S (Speech – Lời nói): Nói lắp, nói khó hiểu, không thể phát âm rõ ràng một từ hoặc không nói hết được câu. Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc tìm từ ngữ để diễn đạt suy nghĩ hoặc không nói một cách mạch lạc.
T (Time – Thời gian): Nếu nhận thấy bất kỳ một trong các dấu hiệu trên, cần gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến bệnh viện ngay lập tức để tránh mất cơ hội điều trị.
Kỳ Duyên