Tại công ty làm phim hoạt hình 2D ở TP.HCM, nơi Việt Nga (29 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đang giữ vị trí quản lý cấp trung, 100% nhân sự hiện ứng dụng AI vào công việc.
“Khi chọn đúng công cụ cho từng khâu sản xuất, hiệu suất công việc tăng gấp 3. Với 3 nhân sự, đội của tôi vẫn hoàn thành tiến độ như khi còn 10 người trước đây”, Nga nói.
Đến nay, công ty cô đã đầu tư hơn 20 công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) khác nhau. Mỗi nền tảng đều được thử nghiệm kỹ lưỡng trước khi phổ cập rộng rãi đến nhân sự.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Việt Nga cho biết công ty cô bắt đầu thử nghiệm các công cụ AI từ đầu năm 2024, thời điểm công nghệ này còn mới mẻ tại thị trường Việt Nam. Khi đó, công ty đã tổ chức các workshop giới thiệu những nền tảng phổ biến như ChatGPT, Midjourney, nhằm phổ cập kiến thức nền tảng đến nhân sự.
Việt Nga nhìn nhận AI không phải là giải pháp toàn năng, nhưng nếu chọn đúng công cụ cho từng khâu sản xuất, hiệu suất làm việc có thể tăng gấp 3. Ảnh: NVCC.
Nhưng hiện nay, hình thức đào tạo đã thay đổi. Công ty không còn tổ chức workshop mà chuyển sang mua sẵn các khóa học trực tuyến, để nhân sự có thể tự học theo nhu cầu.
Theo nhận định của Nga, phần lớn công cụ AI hỗ trợ sản xuất phim có giao diện thân thiện với người dùng, nên không cần đến các khóa đào tạo chuyên sâu.
"Họ có thể tự tìm hiểu qua tài liệu hướng dẫn, hỏi ChatGPT hoặc trao đổi trực tiếp trong nhóm làm việc nếu gặp khó khăn", cô nói. Riêng với những nền tảng phức tạp như Make AI, công cụ tự động hóa quy trình, giám đốc công nghệ sẽ nghiên cứu trước rồi huấn luyện đại diện từng nhóm, từ đó hướng dẫn lại cho đội mình.
Trong bối cảnh AI ngày càng trở thành công cụ thiết yếu, nhiều doanh nghiệp Việt đang loay hoay với bài toán đào tạo hiệu quả. Một số công ty ghi nhận hiệu suất tăng rõ rệt nhờ chiến lược đào tạo linh hoạt, gắn liền với nhu cầu thực tiễn. Ngược lại, không ít doanh nghiệp lại rơi vào cảnh “ném tiền qua cửa sổ” vì khóa học dàn trải, nội dung chung chung, kém thực tiễn.
Hiệu suất làm việc cải thiện đáng kể
Tại agency quảng cáo ở TP.HCM, trưởng phòng thiết kế Ái Quỳnh (30 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng ghi nhận nhóm thiết kế cải thiện đến 40% tốc độ làm việc nhờ AI.
Theo trưởng phòng, nhân sự công ty tiếp cận AI qua những buổi chia sẻ trong sự kiện nội bộ “Happiness Day” kéo dài 1–2 tiếng, bắt đầu từ mùa hè năm 2024. Việc đào tạo không theo mô hình khóa học cố định, mà diễn ra liên tục trong quá trình làm việc. Khi có nhu cầu, các phòng ban sẽ chủ động tổ chức hướng dẫn hoặc workshop quy mô nhỏ.
Trưởng phòng Ái Quỳnh luôn có bài thực hành trong buổi đào tạo AI cho nhân sự. Ảnh: NVCC.
“Trước khi đào tạo, chúng tôi sẽ chuẩn bị giáo án, đặc biệt với các buổi chuyên sâu dành cho đội ngũ thiết kế, nhóm sử dụng AI nhiều nhất. Với nhân sự không phải nhóm thiết kế, mục tiêu chính chỉ là giúp họ hiểu nguyên lý, không bắt buộc ứng dụng chuyên sâu”, cô cho biết.
Nhờ AI, công đoạn tạo nguyên liệu như background (nền), hình ảnh hoặc video ngắn trước đây phụ thuộc vào Google, giờ có thể xử lý nhanh bằng Midjourney, Sora hay các tính năng có sẵn trong phần mềm Adobe.
Dù vậy, trưởng phòng thiết kế khẳng định AI vẫn chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Phần layout, màu sắc, moodboard vẫn do con người thực hiện.
“Trí tuệ nhân tạo giúp nhanh hơn, nhưng không quyết định chất lượng. Kết quả từ AI rất khó kiểm soát, mỗi prompt cho ra nhiều phiên bản khác nhau, nên vẫn tốn công chọn lọc”, Ái Quỳnh nói.
Sai lầm gây lãng phí
Một số doanh nghiệp khác dù đầu tư ngân sách lớn vẫn chưa thu được kết quả như kỳ vọng. Điển hình như Minh Tuấn (TP Thủ Đức, TP.HCM), phó giám đốc của một công ty truyền thông quy mô nhỏ, thất vọng khi nhìn vào bảng đánh giá kết quả chương trình đào tạo AI do anh chịu trách nhiệm tổ chức.
Nhận chỉ đạo từ cấp trên, anh tiến hành tìm kiếm đơn vị cung cấp khóa học, cân đối với ngân sách 100 triệu đồng cho 35 nhân sự của doanh nghiệp. Sau khi tham khảo, anh “chốt” một chương trình đào tạo kéo dài 5 buổi.
Do chưa thành thạo kỹ năng sử dụng AI, Minh Tuấn ủy quyền cho đội ngũ đứng lớp soạn thảo giáo án, lên kế hoạch giảng dạy, bồi dưỡng. Đây cũng là quyết định khiến anh hối hận.
Chỉ sau 1-2 buổi học đầu tiên, Minh Tuấn sớm nhận ra kiến thức, kỹ năng trong khóa học tương đối chung chung, khó ứng dụng vào công việc thực tế của doanh nghiệp. Dù lập tức đưa ra phản hồi, đánh giá và yêu cầu đơn vị giảng dạy thay đổi, kết quả mà công ty anh nhận về sau 5 buổi học vẫn chưa đạt kỳ vọng.
“Kỹ năng viết prompt, tạo ảnh thông qua các công cụ AI tương đối đơn giản, không cần hướng dẫn đối với nhân sự trẻ trong lĩnh vực truyền thông. Sai lầm của tôi là chủ quan, chưa trao đổi với đội ngũ giảng dạy về đặc thù công việc của công ty”, anh thừa nhận.
Đúng như dự đoán, sau khi tham gia khóa học, nhân viên của Minh Tuấn vẫn chưa thể ứng dụng AI vào xử lý công việc một cách thông minh và hiệu quả.
“Tôi có khả năng bị khiển trách vì ‘ném 100 triệu đồng của công ty qua cửa sổ’”, Tuấn thở dài chia sẻ.
Trong khi đó, doanh nghiệp của trưởng phòng phát triển sản phẩm Thu Trang (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chưa quan tâm nhiều đến việc ứng dụng AI. Đầu năm nay, lãnh đạo công ty cô cung cấp tài khoản sử dụng một số công cụ AI phiên bản nâng cấp cho toàn bộ nhân sự.
Theo Trang, đây là một khoản đầu tư đáng kể đối với doanh nghiệp, song chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Mặc dù có khả năng truy cập nhiều tính năng hơn, nhân sự vẫn chưa biết cách tận dụng tối đa, gây ra tình trạng lãng phí.
“Tình trạng này giống với việc để người dùng lớn tuổi, không thành thạo công nghệ sử dụng iPhone đời mới. Ở trường hợp này, hướng dẫn sử dụng đặc biệt cần thiết”, Thu Trang thẳng thắn nhận xét.
Điều chỉnh chiến lược đào tạo AI
Để khắc phục tình trạng lãng phí, Thu Trang dự định đề xuất cấp trên triển khai chương trình đào tạo cho nhân sự các bộ phận. Phòng ban của cô sẵn sàng học thí điểm, báo cáo hiệu quả lên lãnh đạo.
Không ít doanh nghiệp mắc kẹt với khóa đào tạo AI kém hiệu quả. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
“Nếu ban lãnh đạo chưa sẵn sàng đầu tư, tôi dự định tài trợ một phần chi phí khóa học AI online cho cấp dưới”, Trang nói. Tuy nhiên, theo cô, yếu tố then chốt vẫn là nhận thức của nhân sự. Nếu chưa thấy được tầm quan trọng của AI, việc học sẽ khó mang lại kết quả thực tế.
Do đó, trước khi triển khai chương trình đào tạo, Thu Trang yêu cầu cấp dưới lập tài khoản sử dụng các công cụ AI miễn phí, từ đó tự nhận ra điểm yếu và phát sinh nhu cầu học hỏi thêm.
Đối với Minh Tuấn, phó giám đốc lại dự định khắc phục sai lầm của bản thân bằng cách tổ chức khóa học bổ sung ngắn ngày cho doanh nghiệp. Anh dự kiến cung cấp thông tin chi tiết về đặc thù doanh nghiệp, trực tiếp đánh giá giáo trình và yêu cầu điều chỉnh nội dung trước khi triển khai.
Qua phản hồi của nhân sự, Tuấn nhận ra nhu cầu học không chỉ dừng ở thao tác cơ bản, mà cần kiến thức sâu hơn như bản quyền, xử lý thông tin sai và quản lý sản phẩm đầu ra.
“Đây là vấn đề mà lãnh đạo doanh nghiệp và đơn vị cung cấp khóa học phải cùng trao đổi, không thể chỉ phụ thuộc vào đội ngũ giảng dạy”, Minh Tuấn nói.
Ngoài ra, Tuấn cũng đề xuất xây dựng bộ quy chuẩn sử dụng AI nội bộ để tránh rò rỉ thông tin và ngăn chặn vi phạm bản quyền.
Như Phương - Linh Vũ