Sai một ly, 'đi'... mảnh đất

Sai một ly, 'đi'... mảnh đất
3 giờ trướcBài gốc
Theo nội dung đơn trình báo, tháng 6-2024, do cần tiền để đầu tư làm ăn gấp, được một số người giới thiệu, chị N.M.A đã gặp chị L.N.A để vay số tiền 1,64 tỷ đồng. Hai bên trao đổi và thống nhất, chị N.M.A sẽ cầm cố một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên em trai ruột của mình (em trai chị N.M.A đồng ý cho chị N.M.A mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cầm cố vay tiền).
Ảnh minh họa: Báo Giao thông
Tuy nhiên sau đó, hai bên không làm thủ tục cầm cố tài sản mà theo yêu cầu của chị L.N.A, chị N.M.A lại ra phòng công chứng để làm thủ tục chuyển nhượng, bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói trên cho một người khác do chị L.N.A chỉ định để nhận được khoản vay. Sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng trị giá 2 tỷ đồng, chị L.N.A đã chuyển cho chị N.M.A 1,64 tỷ đồng. Chị N.M.A và em trai viết giấy biên nhận “nhận đủ số tiền 2 tỷ đồng” (khoản chênh lệch 360 triệu đồng là “tiền lãi” được trừ luôn khi “giải ngân”).
Theo chị N.M.A, hai bên đã “thỏa thuận ngoài” với nội dung việc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ là hình thức để thực hiện giao dịch vay tiền trong vòng 3 tháng. Đến hạn thanh toán, nếu chị N.M.A trả đủ số tiền 2 tỷ đồng thì chị L.N.A sẽ trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nếu không trả đúng hạn, chị L.N.A được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất đó cho người khác.
Thế nhưng, theo đơn trình bày, gần đến hạn, mặc dù chị N.M.A nhiều lần liên hệ để trả đủ số tiền, nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chị L.N.A cố tình né tránh, gây khó dễ với mục đích “đòi thêm tiền”, thậm chí nói rằng đã bán mảnh đất nói trên cho người khác. Chị N.M.A liên hệ với người được cho là vừa mua mảnh đất này thì nhận được câu trả lời “muốn nhận lại phải trả 2,4 tỷ đồng”...
Nội dung đơn của chị N.M.A sẽ được các cơ quan chức năng xác minh, xử lý để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân. Nhưng qua vụ việc trên rút ra một bài học là cần hết sức cẩn trọng, tỉnh táo, có hiểu biết pháp luật khi thực hiện các giao dịch vay tiền, cầm cố, thế chấp tài sản, nhà đất... nói riêng, trong mọi hoạt động khác nói chung.
Chị N.M.A do “hiểu biết còn hạn hẹp” như chính chị thừa nhận, thiếu cẩn trọng nên đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và “thỏa thuận ngoài” về việc vay tiền, khi trả đủ sẽ nhận lại tài sản. Tuy nhiên, khi đó, về mặt pháp lý thì chị đã chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất này, còn “thỏa thuận ngoài” sẽ rất khó có căn cứ để giải quyết. Một vấn đề nữa là các tổ chức tín dụng cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, người dân khi có nhu cầu cũng nên tìm đến các tổ chức tín dụng, các ngân hàng để vay vốn, tuyệt đối không tìm đến “tín dụng đen” để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, cho vay nặng lãi.
PHƯƠNG HIỀN
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/sai-mot-ly-di-manh-dat-803059