Sai phạm tại Dự án BV Bạch Mai- Việt Đức cơ sở 2: Khởi tố nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án y tế trọng điểm Bộ Y tế

Sai phạm tại Dự án BV Bạch Mai- Việt Đức cơ sở 2: Khởi tố nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án y tế trọng điểm Bộ Y tế
5 giờ trướcBài gốc
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về danh tính các bị can, và diễn biến vụ án, Thượng tá Vũ Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án “Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015, đồng thời khởi tố 5 bị can, trong đó có cán bộ thuộc Ban Quản lý dự án và các đơn vị tư vấn, thi công.
Thượng tá Vũ Thanh Tùng trả lời tại cuộc họp báo.
Cụ thể, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án y tế trọng điểm, Bộ Y tế; Nguyễn Hữu Tuấn, Nguyễn Kim Trung, đều nguyên Phó Giám đốc Ban quản lý dự án y tế trọng điểm; Trần Văn Sinh, Trưởng Phòng kỹ thuật dự toán, Ban quản lý dự án y tế trọng điểm và Đào Xuân Sinh, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn, đầu tư và xây dựng SHT, cùng về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, theo Điều 219 Bộ luật hình sự.
Thượng tá Vũ Thanh Tùng cho hay, kết quả điều tra bước đầu xác định hành vi trên của các đối tượng gây thiệt hại 80 tỷ đồng, lãng phí 762 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ sai phạm, xử lý triệt để theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm các lãnh đạo Bộ Y tế trong sai phạm nghiêm trọng tại hai dự án bệnh viện có tổng mức đầu tư hơn 9.900 tỷ đồng.
Theo Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về các sai phạm trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 (giai đoạn 2014–2024), trách nhiệm trực tiếp được xác định thuộc về nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cùng hai nguyên Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến và Nguyễn Trường Sơn, trong việc để xảy ra hàng loạt vi phạm nghiêm trọng.
Kết luận chỉ rõ: hai gói thầu xây lắp có giá trị lớn nhất – XDBM-01 (Bệnh viện Bạch Mai) và XDVĐ-01 (Bệnh viện Việt Đức) – với tổng giá trị 4.389,9 tỷ đồng, chiếm tới 76,6% giá trị các hợp đồng xây lắp, là trọng tâm của nhiều vi phạm.
Cụ thể, kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt khi chưa có thiết kế kỹ thuật, dự toán hay bản vẽ thi công. Giá gói thầu được xác lập không chính xác, dựa trên tổng mức đầu tư sơ bộ và chưa tính đủ các chi phí cần thiết. Hồ sơ mời thầu thiếu căn cứ, không đầy đủ bảng khối lượng, đơn giá chi tiết – vi phạm khoản 1, Điều 7 Luật Đấu thầu 2013.
Sai phạm nghiêm trọng tại dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2.
Sau đấu thầu, liên danh Tổng công ty 36 – 319 – Thành An trúng thầu gói XDBM-01, còn liên danh Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – Hồng Hà Việt Nam trúng gói XDVĐ-01. Tuy nhiên, các hợp đồng ký kết lại thiếu loạt nội dung bắt buộc như: thời điểm giao mặt bằng, thời gian khởi công – hoàn thành, điều khoản điều chỉnh giá.
Chỉ 8 ngày sau khi ký hợp đồng, các nhà thầu đã đề xuất điều chỉnh thiết kế cơ sở dù chưa khởi công và chưa có thiết kế kỹ thuật – hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Xây dựng 2014. Đặc biệt, các dự án đều khởi công khi chưa có bản vẽ thi công, vi phạm quy định cấm trong Luật Xây dựng.
Việc điều chỉnh phương án thi công phần móng (từ khoan nhồi sang ép cọc) dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện hàng trăm ngày, gây đội chi phí, thiệt hại ngân sách tạm tính trên 20,7 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế, Ban Quản lý dự án, các nhà thầu và các tổ chức, cá nhân liên quan trong phê duyệt, điều chỉnh và triển khai các dự án.
Tại Dự án Bạch Mai cơ sở 2, một gói thầu thiết bị y tế trị giá 51,4 tỷ đồng cũng để xảy ra loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu và ký kết hợp đồng.
Đáng chú ý, giá thiết bị trong hợp đồng cao gấp hơn 3 lần giá nhập khẩu sau thuế (13,2 tỷ đồng so với hơn 4 tỷ đồng), có dấu hiệu gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách. Ngoài ra, Ban Quản lý dự án không cung cấp tài liệu làm việc theo yêu cầu của đoàn thanh tra – vi phạm Luật Thanh tra năm 2022.
Thanh tra Chính phủ đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu.
Hai dự án được khởi công từ đầu năm 2015, cơ bản hoàn thành phần xây dựng đến cuối năm 2020, nhưng đã dừng thi công từ tháng 1/2021 đến nay, khiến nhiều hạng mục chậm trễ nghiêm trọng.
Tại Bạch Mai cơ sở 2: Hạng mục điện, nước do Tổng công ty Thành An thi công chậm hơn 3.200 ngày. Hạng mục kiến trúc của Tổng công ty 36 chậm 2.903 ngày.
Tại Việt Đức cơ sở 2: Các hạng mục kết cấu, điện nước chậm từ 500–950 ngày, vượt xa tiến độ cam kết. Kết luận nêu rõ: tình trạng chậm tiến độ, dừng thi công kéo dài đã gây lãng phí nghiêm trọng tài sản công, tổn thất ngân sách và làm ảnh hưởng tiêu cực đến chiến lược phát triển y tế của quốc gia.
Thanh tra Chính phủ khẳng định trách nhiệm cá nhân đối với các lãnh đạo Bộ Y tế qua các thời kỳ, cụ thể:
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế giai đoạn 2011–2019, là người trực tiếp ký các quyết định liên quan đến cả hai dự án trong thời gian từ năm 2013 đến 2017.
Ông Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng phụ trách xây dựng cơ bản, đồng thời là Trưởng Ban Quản lý dự án chuyên trách giai đoạn 2016–2019.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng từ năm 2021, tiếp tục phụ trách Ban Quản lý dự án chuyên ngành.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm nghiêm khắc đối với các cá nhân nêu trên theo đúng quy định pháp luật.
Minh Đức
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/sai-pham-tai-du-an-bv-bach-mai-viet-duc-co-so-2-khoi-to-nguyen-giam-doc-ban-quan-ly-du-an-y-te-trong-diem-bo-y-te-post1758249.tpo