Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 với sự sụt giảm đáng kể ở hầu hết các chỉ tiêu trọng yếu, dẫn tới khoản thua lỗ kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Theo đó, thu nhập lãi thuần của ngân hàng chỉ đạt hơn 52 tỷ đồng, giảm tới 77% so với cùng kỳ năm 2023
Các nguồn thu ngoài lãi cũng không ghi nhận sự đi xuống. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 8,3 tỷ đồng, giảm 20%. Lãi thuần từ hoạt động khác sụt giảm tới 71%, còn hơn 48 tỷ đồng.
Trong khi hoạt động kinh doanh sa sút, chi phí hoạt động của Saigonbank lại tăng 15%, lên gần 157 tỷ đồng.
Điều này khiến ngân hàng ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 61 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, ngân hàng ghi nhận mức lãi thuần 252 tỷ đồng.
Mặc dù đã cắt giảm 70% chi phí dự phòng rủi ro, xuống chỉ còn 52 tỷ đồng, ngân hàng vẫn lỗ trước thuế gần 114 tỷ đồng trong quý IV/2024.
Tính chung cả năm 2024, lợi nhuận trước thuế của Saigonbank chỉ đạt gần 100 tỷ đồng, giảm 70% so với năm 2023. Qua đó ngân hàng chỉ hoàn thành 27% kế hoạch lợi nhuận năm đã đề ra.
Nợ xấu của Saigonbank tăng cao, tiến sát ngưỡng giới hạn 3% theo quy định. Ảnh: Saigonbank
Về chất lượng tài sản, đến cuối tháng 12/2024, Saigonbank ghi nhận 580 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, tăng hơn 40% so với đầu năm.
Trong đó, nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn đã tăng tới 73% lên 400 tỷ đồng, chiếm 69% tổng nợ xấu. Nợ nhóm 4 - nợ nghi ngờ cũng tăng gần 2,7 lần.
Tổng lại, tỷ lệ nợ xấu trên cho vay tăng lên 2,66% so với mức 2,02% hồi đầu năm.
Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của Saigonbank đạt 33.260 tỷ đồng, tăng 5,6% so với hồi đầu năm.
Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng ở mức 21.623 tỷ đồng, tăng 9,4%. Tiền gửi khách hàng đạt 24.413 tỷ đồng, tăng trưởng 3,6%. Vốn điều lệ ở mức 3.388 tỷ đồng.
Saigonbank hiện là ngân hàng nhỏ nhất trên thị trường chứng khoán xét về cả quy mô tài sản, dư nợ, tiền gửi khách hàng và vốn điều lệ.
Trong một diễn biến khác, Công ty CP Phát Đại Cát mới đây đã nhận chuyển nhượng thêm hơn 16,75 triệu cổ phiếu SGB, qua đó chính thức trở thành cổ đông lớn nắm gần 9,9% vốn điều lệ Saigonbank.
Tại phiên ngày 8/1, cổ phiếu SGB ghi nhận giao dịch thỏa thuận lớn đúng bằng khối lượng Phát Đại Cát mua với giá trị 201 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân 12.000 đồng/cổ phiếu.
Công ty CP Phát Đại Cát có trụ sở tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM. Ngoài ra, một doanh nghiệp có liên quan là Công ty Bách hóa điện máy Sài Gòn có cùng người quản lý là ông Huỳnh Gia Hoàng, cũng đang sở hữu hơn 68.000 cổ phiếu tại Saigonbank.
Sau giao dịch, nhóm Phát Đại Cát là cổ đông lớn thứ năm của Saigonbank. Tuy nhiên, đây lại là cổ đông tư nhân lớn nhất của nhà băng. Các cổ đông lớn còn lại của Saigonbank đều là cổ đông nhà nước.
Được biết, Công ty CP Phát Đại Cát là công ty con của Công ty CP Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim, thành viên trong hệ sinh thái Nguyễn Kim của ông Nguyễn Văn Kim – nhà sáng lập chuỗi điện máy Nguyễn Kim.
Hệ thống bán lẻ điện máy nổi tiếng này đã được bán lại cho tập đoàn Central của Thái Lan vào năm 2015.
Công ty CP Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim trong vai trò đơn vị chuyên đi đầu tư, từng tham gia nhiều hoạt động đầu tư, tập trung vào lĩnh vực bất động sản, lương thực và dược phẩm.
Có thể kể tới một số thương vụ mua cổ phần của Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), Công ty CP dược Lâm Đồng (Ladophar), Công ty CP Docimexco…
Tuy nhiên, năm 2020, cựu tổng giám đốc Phạm Nhật Vinh của Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim bị truy nã quốc tế.
Sau sai phạm với khoản đầu tư vào Sadeco, Công ty CP Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim đã thoái vốn hàng loạt khỏi các công ty lương thực, dược phẩm và không có thương vụ mua nào được công khai cho đến thời điểm hiện tại.
Dũng Phạm