Đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu, phường Quảng Châu, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, sau khi hoàn thành tôn tạo (giai đoạn 1).
Theo phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình tôn tạo di tích đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu, phường Quảng Châu, thành phố Sầm Sơn, thuộc nhóm C, công trình tín ngưỡng, chủ đầu tư là UBND thành phố Sầm Sơn, địa điểm xây dựng tại phường Quảng Châu, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Mục tiêu nhằm bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di tích đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu trước nguy cơ bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cho nhân dân trên địa bàn và du khách tham quan, du lịch; góp phần phát triển du lịch và kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Các hạng mục đầu tư tuân thủ theo quy hoạch tổng thể tôn tạo di tích (quy hoạch tổng thể di tích gồm các hạng mục: Nhà Tiền tế, Trung từ, Hậu cung, nghi môn đền, miếu thờ công chúa Mỵ Châu, nhà thờ mẫu, nhà tưởng niệm Bác Hồ, nhà khách, nhà sắp lễ, khu vệ sinh và hệ thống các công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật khác). Trong giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ đồng, ưu tiên triển khai đầu tư các hạng mục: Nhà Tiền tế, Trung từ, Hậu cung.
Khu vực Giếng Ngọc chưa được đầu tư tôn tạo.
Ông Lê Văn Năm (73 tuổi) phường Quảng Châu cho hay: “Khi hay tin người dân chúng tôi rất phấn khởi khi các cấp có quyết định đầu tư, tôn tạo di tích An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cho nhân dân trên địa bàn và du khách tham quan du lịch”.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bà Nguyễn Thị Mận, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Châu cho biết: “Trải qua thời gian, các hạng mục của đền thờ đã xuống cấp, cơ quan chức năng đã lập dự án, tu sửa 3 khu chính (nhà Tiền tế; nhà Trung từ; nhà Hậu cung), các công trình phụ trợ với số tiền hơn 12 tỷ đồng. Hiện vẫn còn 11 hạng mục khác và công trình nhà dân cần đầu tư, di dời tới khu vực phù hợp".
Hằng năm, tại đền thờ đức vua An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu diễn ra 7 kỳ tế lễ. Trong đó, Lễ hội cầu phúc đền thờ đức vua An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu là 1 trong 4 kỳ lễ chính của di tích gồm: Lễ ngày vua lên ngôi (6/1 âm lịch), lễ cầu phúc (1/2 âm lịch), lễ ngày linh hóa vua (7/3 âm lịch) và lễ ngày sinh đức vua An Dương Vương (11/8 âm lịch).
Được biết, đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu thuộc làng Bình Hòa (Quảng Châu, Sầm Sơn) được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1997. Thế nhưng di tích đã xuống cấp, có các hạng mục, nhà dân tiếp giáp không phù hợp với di tích chưa được di dời.
Tôn tạo di tích An dương Vương và công chúa Mỵ Châu đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cho nhân dân trên địa bàn và du khách tham quan du lịch.
Cùng quy mô cấu trúc của khu đền, có lẽ người đời xưa đã dụng ý mô phỏng theo cách bố cục của thành Cổ Loa (Hà Nội) mà khi xưa An Dương Vương đã cho xây dựng ở kinh đô Phong Khê. Đó cũng là một nét độc đáo về bố cục quy mô cấu trúc của đền An Dương Vương ở thôn Bình Hòa, xã Quảng Châu. Đền thờ An Dương Vương không chỉ là nơi thờ An Dương Vương mà còn là địa điểm trú ẩn, hội họp, tập kết của nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và các đơn vị quân đội. Sau này, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, ngôi đền đó không còn nữa. Năm 1993, cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân địa phương đã thống nhất việc xây dựng lại đền thờ.
Từ năm 1994-1996, tiếp tục xây dựng trung điện tiền đường, cửa nghinh môn, đền Mỵ Châu, nhà thánh mẫu, đắp 1 con đường từ Quốc lộ 47 vào đền thờ. Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ký Quyết định số 1460, ngày 26/9/1997 công nhận đền thờ An Dưong Vương và công chúa Mỵ Châu là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Tiến Anh