Với tâm lý tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm, dịp tụ họp gia đình, mỗi năm chỉ có một lần nên người tiêu dùng thường chi tiêu “thả ga” để mua sắm, bày biện đầy đủ trong nhà. Có nhiều gia đình, Tết còn là dịp thể hiện sự dư dả kinh tế, biếu tặng quà cáp cho khách khứa, họ hàng, bạn bè… Vì vậy, việc “vung tay quá trán” ngày Tết trở thành thói quen khó bỏ của nhiều người.
Hàng hóa Tết đã lên kệ tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa.
Tuy nhiên, trải qua một năm kinh tế khó khăn, năm nay, nhiều người tiêu dùng đã có sự thay đổi trong mua sắm theo hướng lên kế hoạch chi tiết, thận trọng để đảm bảo một cái Tết đầy đủ nhưng vẫn tiết kiệm.
Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, chị Nga (TP Hà Tĩnh) cùng con gái đi siêu thị sắm Tết sớm cho gia đình mình và ông bà nội ngoại. Chị Nga chia sẻ: “Từ đêm hôm trước, mẹ con tôi đã lên danh sách những đồ dùng cần mua, những món quà cần biếu và quán triệt tinh thần là chỉ mua những thứ thật sự cần thiết. Đối với thực phẩm tươi sống, dù chưa mua thời điểm này nhưng chúng tôi cũng đã tính toán ngân sách cho những món dự định mua rồi”.
Tự nhận mình có thói quen xấu là thường mua sắm theo “cảm tính”, chị Tâm (huyện Thạch Hà) cho biết, do sự lên ngôi của chợ Tết online nên những nhân viên văn phòng có thói quen “lướt phây” như chị cứ liên tục “chốt đơn” mà đôi khi không cần biết món đồ ấy có thực sự cần cho gia đình mình hay không.
Lên kế hoạch mua sắm khoa học sẽ giúp các gia đình sắm Tết đầy đủ nhưng vẫn tiết kiệm.
Thậm chí, có những món đã đặt hàng mà không nhớ, đến lúc nhận hàng hai, ba lần mới biết là mình đã đặt. Thế nên, có nhiều món sắm cho dịp Tết mà mấy tháng sau, gia đình chị vẫn chưa dùng hết.
“Cứ mua sắm theo xu hướng, mua theo bạn bè, người quen, mua vì sợ thiếu nên khi tổng kết số tiền đã chi cho việc sắm Tết, tôi mới tá hỏa vì chi quá nhiều, quá lãng phí. Rút kinh nghiệm, năm nay, tôi hạn chế đặt hàng tràn lan qua mạng, chỉ tìm những địa chỉ thật sự uy tín và mua với số lượng vừa phải, bởi thực tế thì mùng 2 Tết đã có nhiều hàng quán mở bán nên không cần phải tích trữ thực phẩm” - chị Tâm chia sẻ.
Cùng với việc thay đổi thói quen sắm Tết, các bà nội trợ cũng có những cách tiết kiệm chi tiêu mà vẫn mang về nhà một cái Tết đủ đầy như: sử dụng các ứng dụng mua hàng được thiết kế dễ dàng quản lý số lượng đơn hàng và chi phí mua sắm; rủ người thân, bạn bè mua hàng theo combo để được giá cả ưu đãi hoặc miễn phí vận chuyển, lắp đặt…
Bên cạnh tiết kiệm trong mua sắm, nhiều người cũng thay đổi tư duy đón Tết theo hướng đơn giản, nhẹ nhàng, ưu tiên không khí đoàn viên gia đình hơn là sự phô trương hình thức. Chia sẻ quan điểm này, anh Hải (phường Trần Phú - TP Hà Tĩnh) cho rằng: “Nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, một cành đào nhỏ, bánh mứt và ít đồ ăn vợ tôi tự tay làm…, với tôi, Tết như vậy là ấm áp, tròn đầy. Tôi cũng không quá đặt nặng vấn đề mừng tuổi trẻ con mà chỉ coi đó là việc làm tượng trưng, là lời chúc may mắn nên không chuẩn bị số tiền lớn dành cho việc này. Khi không quá đặt nặng tiêu chuẩn đón Tết thì tôi thấy, Tết sẽ nhẹ nhàng, ý nghĩa hơn rất nhiều”.
Với những kinh nghiệm được chia sẻ, hy vọng, mỗi người, mỗi nhà sẽ đón một cái Tết cổ truyền tiết kiệm nhưng không kém phần ấm áp, ý nghĩa.
Minh Khánh