Diện tích, sản lượng khiêm tốn
Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam hiện có 3.055ha diện tích trồng sâm, trong đó diện tích sâm Ngọc Linh là 3.000ha; 55ha sâm Lai Châu. Các loại cây sâm của Việt Nam được trồng chủ yếu dưới tán rừng, sản lượng hiện nay rất khiêm tốn, chỉ khoảng vài tấn/năm. Sâm trồng trong nhà lưới, nhà màng hiện mới chỉ chiếm diện tích rất nhỏ (5ha tại tỉnh Lai Châu), chưa có sản lượng do đều là sâm mới trồng. Ngoài ra, một vài địa phương khác đang trồng thí điểm nhưng quy mô nhỏ, không đáng kể.
Sâm Lai Châu trồng dưới tán rừng. Ảnh: Vũ Đăng Thanh Hải
So sánh với hai nước nổi tiếng về trồng sâm là Hàn Quốc và Trung Quốc thì Việt Nam có diện tích, sản lượng, giá trị kinh tế quá nhỏ bé. Hàn Quốc hiện có 15.000ha trồng sâm, năng suất đạt 6 tấn/ha. Tổng sản lượng sâm nước này thu hoạch 22.000-23.000 tấn/năm, chiếm 27% sản lượng sâm toàn cầu, mang lại nguồn thu 2,5 tỷ USD/năm. Trong khi đó, Trung Quốc hiện là quốc gia có diện tích trồng sâm lớn hàng đầu thế giới, sản lượng đạt 44.000 tấn/năm, doanh thu 2,8 tỷ USD/năm. Sở dĩ, năng suất, sản lượng sâm của Trung Quốc, Hàn Quốc cao như vậy là do từ nhiều năm nay họ đã trồng trong nhà màng, nhà lưới, áp dụng khoa học-công nghệ hiện đại, với diện tích lớn, còn Việt Nam chủ yếu trồng dưới tán rừng, diện tích sâm trồng nhà lưới hiện không đáng kể. Cây sâm ở Trung Quốc, Hàn Quốc đều đã xây dựng thành công thương hiệu trên thị trường quốc tế. Không chỉ có vậy, hai quốc gia này đều đã đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ sâm, gồm: Đồ uống, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm...
Việc sâm Việt vẫn chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới khiến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đầy trăn trở: "Sang Hàn Quốc công tác, tôi gặp người Hàn Quốc, họ ca ngợi sâm Việt Nam rất tốt. Nghe họ khen mà mình thấy buồn, chạnh lòng. Rồi tự hỏi: Vì sao chúng ta có những loại sâm quý nhưng lại chưa làm tốt được như họ?". Nhìn vào thực trạng mới thấy sự yếu kém, non trẻ của ngành sâm Việt Nam. Diện tích trồng sâm tại Việt Nam hiện còn ít, chủ yếu trồng dưới tán rừng, sản lượng hạn chế. Về thương hiệu, sâm Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, chưa kiểm soát được chất lượng, chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp nổi tiếng. Quảng bá-truyền thông đối với sâm Việt Nam chưa đa dạng hình thức, chưa kết hợp được yếu tố văn hóa, truyền thống. Các công trình khoa học, nghiên cứu về sâm còn dàn trải, nguồn lực phân tán... Cây sâm, đặc biệt sâm Ngọc Linh đã mang lại hiệu quả kinh tế cho một số hộ dân, khiến nhiều người có cuộc sống khá giả. Song ngành trồng sâm của Việt Nam hiện đang phát triển mang tính tự phát, thiếu tính bền vững do chủ yếu tiêu thụ thô, thiếu thương hiệu trên thị trường quốc tế. Chưa kể có hiện tượng gian thương đưa các loại sâm giả ra thị trường làm mất uy tín thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Cần thay đổi tư duy và xây dựng thương hiệu sâm Việt
Ông Ngô Tân Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Sâm Lai Châu cho rằng: "Trồng sâm cần phát triển theo hai hướng, ngoài trồng sâm dưới tán rừng để tạo sinh kế cho người dân vùng cao, việc trồng sâm trong nhà màng, nhà lưới mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, chúng ta cần phải sớm bắt tay vào xây dựng thương hiệu chung cho sâm Việt Nam. Cùng với đó, cần đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu để chế biến ra nhiều loại sản phẩm mới phát huy hiệu quả kinh tế từ cây sâm. Nếu ngay bây giờ chúng ta không tính đến việc nghiên cứu, đầu tư chế biến sâu, thì chỉ khoảng 5 năm nữa, với tốc độ phát triển diện tích sâm tự phát, trồng theo phong trào như hiện nay thì không biết bán đi đâu, lúc đó có khi sâm lại rẻ như rau".
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: "Chúng ta cần phải thống nhất nhận thức chung về sâm Việt Nam, sau đó là các chỉ dẫn địa lý cụ thể để người tiêu dùng biết, lựa chọn. Để cây sâm mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, doanh nghiệp thì việc thay đổi cách tiếp cận, tư duy nông nghiệp chỉ là bước khởi đầu. Để cây sâm phát huy được giá trị kinh tế, chúng ta phải xây dựng được nền công nghiệp chế biến sâm: Dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm. Cần có tư duy theo hệ thống, xây dựng được chuỗi liên kết trồng-chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Để xây dựng thương hiệu, chúng ta cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chuẩn sâm Việt Nam".
NGUYỄN KIỂM