Nvidia dự đoán sẽ thiệt hại khoảng 5,5 tỉ USD vì động thái này.
Lệnh hạn chế xuất khẩu từ Mỹ cũng ảnh hưởng đến chip MI308 của AMD. Đây là đòn giáng mới nhất vào thị trường chip AI đang chững lại sau hai năm tăng trưởng mạnh mẽ.
Cổ phiếu Nvidia giảm gần 7% vào cuối phiên 16.4, khiến hãng AI số 1 thế giới mất hơn 148 tỉ USD vốn hóa thị trường. Cổ phiếu AMD giảm 5,8% sau khi hãng chip Mỹ này cảnh báo thiệt hại 800 triệu USD do lệnh hạn chế xuất khẩu mới. Các cổ phiếu liên quan đến chip AI khác như Arm (Anh), Broadcom và Micron Technology (đều của Mỹ) cũng giảm từ 2,5% đến 4,6%.
ASML (Hà Lan), hãng cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới, cũng bày tỏ nghi ngờ về triển vọng tương lai.
Hôm 16.4, Nvidia cho biết tuân thủ đầy đủ các chỉ đạo của chính phủ Mỹ về việc có thể bán chip ở đâu sau khi Bộ Thương mại nước này công bố các yêu cầu cấp phép xuất khẩu mới với H20.
"Chính phủ Mỹ hướng dẫn các doanh nghiệp Mỹ về những gì họ có thể bán và bán ở đâu. Chúng tôi tuân thủ chỉ đạo của chính phủ một cách nghiêm ngặt. Ngành công nghệ đang góp phần hỗ trợ nước Mỹ khi xuất khẩu đến các công ty danh tiếng toàn cầu. Nếu chính phủ có quan điểm khác, họ sẽ chỉ đạo cho chúng tôi", Nvidia thông báo.
Các hạn chế xuất khẩu ngày càng chặt chẽ của Mỹ những năm gần đây khiến những nhà sản xuất chip nước này khó tiếp cận thị trường Trung Quốc hơn. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn là nguồn doanh thu quan trọng.
"Việc Mỹ hạn chế xuất khẩu chip H20 của Nvidia cho thấy sự bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng bao trùm các ngành công nghệ và bán dẫn, đặc biệt là dưới các chính sách đảo ngược kiểu thời ông Trump. Sự khó đoán định này khiến các doanh nghiệp và thị trường đầu tư hoang mang, được minh chứng bằng đợt bán tháo cổ phiếu Nvidia sáng 16.4 và việc giảm giá trên diện rộng trong nhóm cổ phiếu chip", Michael Ashley Schulman, Giám đốc đầu tư tại hãng Running Point Capital, nhận định.
Nvidia thu được hơn 13% doanh thu từ Trung Quốc (tương đương khoảng 17 tỉ USD) trong năm tài chính vừa qua, dù đã giảm so với mức 21% trong năm tài chính 2023. Với AMD, Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai năm ngoái, chiếm hơn 24% tổng doanh thu.
"Phần đóng góp từ chip H20 là khoảng 12 tỉ USD (trong tổng doanh thu từ Trung Quốc của Nvidia), tương đương khoảng 30 cent lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu, không nhỏ nhưng cũng không quá lớn trong bức tranh tổng thể. Hiệu năng của H20 kém các lựa chọn thay thế hiện có tại Trung Quốc. Một lệnh cấm thực chất chỉ đơn giản là trao thị trường AI Trung Quốc cho Huawei", chuyên gia phân tích Stacy Rasgon của hãng Bernstein, nhận định.
Bernstein là công ty phân tích và nghiên cứu đầu tư nổi tiếng, có trụ sở chính tại thành phố New York, Mỹ.
Stacy Rasgon cho rằng động thái này có thể khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ khi cổ phiếu Nvidia đã tăng gần 18% vào tuần trước, một phần nhờ thông tin chính quyền Trump có thể rút lại kế hoạch hạn chế xuất khẩu sau khi Giám đốc điều hành Jensen Huang tham dự bữa tối tại Mar-a-Lago.
Mar-a-Lago là khu nghỉ dưỡng và câu lạc bộ tư nhân được xây dựng vào những năm 1920 bởi nữ doanh nhân giàu có Marjorie Merriweather Post. Ông Trump mua lại Mar-a-Lago năm 1985. Mar-a-Lago hiện vừa là nơi ở cá nhân của ông Trump vừa là câu lạc bộ thành viên dành cho giới thượng lưu, đồng thời còn tổ chức các sự kiện lớn và cuộc gặp gỡ quan trọng.
Đầu tuần này, Nvidia công bố kế hoạch xây dựng các máy chủ AI trị giá tới 500 tỉ USD tại Mỹ trong 4 năm tới, động thái được xem là nhằm lấy lòng ông Trump.
Hiện tại, Tổng thống Trump đã tạm thời miễn trừ thuế đối ứng cho ngành bán dẫn và một số mặt hàng điện tử, nhưng ông cũng cảnh báo rằng các loại thuế riêng biệt theo ngành sẽ được công bố trong vài tuần tới.
Nvidia mất hơn 148 tỉ USD vốn hóa thị trường sau khi Mỹ hạn chế xuất khẩu H20 - Ảnh: Nvidia
Hệ lụy từ việc Mỹ hạn chế xuất khẩu Nvidia H20
Tin tức về lệnh hạn chế xuất khẩu mới với Nvidia đã gây ra làn sóng bán tháo cổ phiếu trong các hãng sản xuất chip và nhà cung cấp trên toàn thế giới.
Tại Hàn Quốc, cổ phiếu Samsung giảm khoảng 3%, còn SK Hynix giảm 4%. Samsung và SK Hynix là hai hãng sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới.
Cổ phiếu các nhà sản xuất chip châu Âu như ASM International (Hà Lan) và Infineon Technologies (Đức) giảm hơn 2%. Trong khi cổ phiếu của hãng sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest (Nhật Bản), nhà cung cấp cho Nvidia, giảm 5%.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng tổng doanh thu của Nvidia vẫn đang tăng mạnh dù doanh thu từ Trung Quốc có giảm, nhờ nhu cầu chip từ các công ty điện toán đám mây lớn vẫn rất cao.
"Dù thừa nhận rằng doanh số của Nvidia trong ngắn hạn có thể bị ảnh hưởng, chúng tôi nhấn mạnh rằng việc giao dòng sản phẩm Blackwell đến các khách hàng siêu quy mô lớn cốt lõi vẫn là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng cho công ty", các nhà phân tích từ hãng TD Cowen nhận xét. Blackwell là dòng chip AI thế hệ mới nhất của Nvidia.
Cơ hội cho Huawei và các hãng chip AI Trung Quốc
Những hạn chế xuất khẩu mới nhất từ chính phủ Mỹ với chip AI H20 của Nvidia được cho là sẽ làm gián đoạn kế hoạch của các hãng công nghệ lớn Trung Quốc, buộc ByteDance (chủ sở hữu TikTok) và gã khổng lồ mạng xã hội Tencent Holdings phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các giải pháp bán dẫn trong nước, theo nhà phân tích.
H20 là bộ xử lý đồ họa (GPU) được thiết kế riêng cho thị trường Trung Quốc sau những lệnh kiểm soát xuất khẩu trước đó của Mỹ. Dù các hạn chế từ Mỹ ngày càng siết chặt, các công ty Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào chip Nvidia để huấn luyện và vận hành mô hình ngôn ngữ lớn, các nhà phân tích cho biết.
Mô hình ngôn ngữ lớn là một loại AI được huấn luyện trên lượng dữ liệu văn bản khổng lồ để hiểu, tạo ra, xử lý ngôn ngữ tự nhiên thông minh và linh hoạt.
Nvidia bắt đầu bán H20 cho thị trường Trung Quốc từ đầu năm 2024, sau khi các dòng chip AI tiên tiến của hãng như A100, H100, A800 và H800 bị Mỹ đưa vào danh sách hạn chế xuất khẩu do lo ngại về an ninh quốc gia.
“Với hiệu suất điện toán mạnh mẽ và lợi thế về tiết kiệm năng lượng, H20 đã trở thành phần cứng then chốt để huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn”, Gao Chengfei, Giám đốc công ty tư vấn Tiaoyuan (Trung Quốc), bình luận.
ByteDance và Tencent Holdings đều đã dựa vào H20 trong các nỗ lực phát triển AI của mình. Mỗi công ty đã đặt mua khoảng 230.000 chip thuộc dòng Hopper của Nvidia vào năm ngoái, chỉ đứng sau Microsoft (đặt mua 485.000 chip), trang Financial Times đưa tin hồi tháng 12.2024, trích dẫn dữ liệu từ hãng nghiên cứu Omdia.
Các công ty này giờ đây sẽ “gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ tài nguyên điện toán trong tương lai, có thể làm chậm tiến độ huấn luyện mô hình AI và ảnh hưởng đến tốc độ phát triển sản phẩm”, Gao Chengfei nói.
Nhu cầu với H20 đã tăng mạnh trong năm 2025, được thúc đẩy bởi nhu cầu điện toán ngày càng tăng để vận hành V3 và R1 - hai mô hình AI mã nguồn mở có hiệu suất cao với chi phí đào tạo thấp do DeepSeek (công ty khởi nghiệp Trung Quốc có trụ sở ở thành phố Hàng Châu) phát triển. Hai mô hình AI này được sử dụng rộng rãi trong vài tháng qua.
ByteDance, Tencent Holdings và gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba đều tăng mạnh đơn đặt hàng H20 sau sự trỗi dậy của DeepSeek, Reuters đưa tin hồi tháng 2, trích dẫn các nguồn tin am hiểu vấn đề.
Việc Mỹ hạn chế xuất khẩu H20 có thể sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nỗ lực tự chủ bán dẫn của Trung Quốc. Đây là chiến lược mà nước này đã theo đuổi nhằm nội địa hóa chuỗi cung ứng bán dẫn.
Gao Chengfei chỉ ra các chip do Huawei, Cambricon Technologies và Hygon Information Technology phát triển là những lựa chọn thay thế tiềm năng cho H20 của Nvidia. Ông cho biết dòng chip AI Ascend của Huawei có hiệu năng mạnh và hệ sinh thái hỗ trợ tốt ở lĩnh vực điện toán AI, trong khi các sản phẩm của Cambricon Technologies nổi bật về tiết kiệm năng lượng.
Sơn Vân