Sân bay gần Bắc Cực nhất thế giới đang tan chảy

Sân bay gần Bắc Cực nhất thế giới đang tan chảy
6 giờ trướcBài gốc
Sân bay Svalbard tọa lạc tại quần đảo Svalbard của Na Uy, là sân bay nằm gần Bắc Cực nhất có các chuyến bay thương mại thường xuyên.
Hai hãng hàng không SAS và Norwegian khai thác bay quanh năm giữa Longyearbyen - khu dân cư chính của quần đảo và đất liền Na Uy, cách đó hơn 800 km về phía nam. Ngoài ra, sân bay này cũng tiếp đón nhiều chuyến bay thuê bao và chuyên cơ cá nhân nhờ vị trí độc đáo của mình.
Sân bay Svalbard là đường băng hạ cánh xa nhất về phía bắc thế giới dành cho các chuyến bay thương mại theo lịch trình.
Đối với khoảng 2.500 cư dân tại đây, sân bay đóng vai trò huyết mạch thiết yếu. Nếu sân bay ngừng hoạt động, hàng hóa và nhu yếu phẩm sẽ chỉ có thể đến bằng đường biển, mất hai ngày cho một chuyến đi.
Sân bay Svalbard được xây dựng từ những năm 1970 trên nền đất băng vĩnh cửu - lớp đất đóng băng quanh năm. Nhưng với biến đổi khí hậu, lớp băng này đang bắt đầu tan rã, khiến đường băng có nguy cơ sụt lún bất cứ lúc nào.
Sự nóng lên và tan chảy của lớp đất đóng băng vĩnh cửu đã dẫn đến sự bất ổn và sụt lún ở Svalbard.
“Vào mùa hè, chúng tôi phải kiểm tra đường băng hàng ngày, vì nền đất có thể lún bất ngờ. Thách thức này chỉ ngày càng tồi tệ hơn theo thời gian,” bà Ragnhild Kommisrud - quản lý sân bay - chia sẻ.
Svalbard từng là trung tâm khai thác than quan trọng với trữ lượng than dồi dào gần các vịnh không đóng băng. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu chú trọng bảo vệ môi trường, việc phụ thuộc vào than đá - nguồn phát điện chính tại đây ngày càng bị chỉ trích, nhất là khi đất liền Na Uy sử dụng gần như hoàn toàn năng lượng tái tạo.
Năm 2023, nhà máy điện chạy than duy nhất tại Longyearbyen chính thức ngừng hoạt động, thay thế bằng nhà máy điện diesel. Mặc dù vẫn phát thải carbon, nhà máy mới đã giúp giảm gần một nửa lượng khí thải so với trước đây.
Tuy nhiên, Avinor - đơn vị quản lý sân bay thuộc sở hữu nhà nước Na Uy cho biết giải pháp này vẫn chưa đủ. Trong nỗ lực giảm 90% lượng khí thải ngành hàng không vào năm 2050, Avinor đang xây dựng một nhà máy điện mới dành riêng cho sân bay Svalbard, vận hành bằng khí sinh học. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay hoặc đầu 2026.
Một khu định cư khai thác than của Nga tại Barentsburg trên đảo Svalbard được cho là đang giảm sản lượng than.
Với sự thoái lui của ngành khai khoáng, du lịch đang trở thành trụ cột kinh tế mới của quần đảo. Svalbard từng là điểm đến “kén khách”, chỉ dành cho những ai ưa mạo hiểm, nhưng giờ đây đang dần trở nên phổ biến hơn.
“Mùa hè là cao điểm du lịch với nhiều chuyến du thuyền đến thăm. Tuy nhiên, mùa đông và đầu xuân cũng ngày càng hút khách nhờ các trải nghiệm săn cực quang, đi xe trượt tuyết hay chó kéo,” ông Ronny Brunvoll - Giám đốc Visit Svalbard - cho biết.
Du khách vẫn được khuyến cáo không rời khỏi khu dân cư nếu không có hướng dẫn viên đi cùng, bởi nguy cơ gặp gấu Bắc Cực và thời tiết khắc nghiệt. Svalbard giới hạn số phòng lưu trú ở mức 500 để kiểm soát du lịch quá mức và bảo vệ thiên nhiên hoang sơ nơi đây.
Biến đổi khí hậu đang đặt ra những câu hỏi lớn về tương lai của Svalbard. Sự tan chảy của băng vĩnh cửu không chỉ đe dọa cơ sở hạ tầng mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho cả thế giới. Trong khi đó, chính quyền và ngành du lịch tại đây đang nỗ lực tìm giải pháp phát triển bền vững để sân bay không biến mất, và vẻ đẹp hoang sơ của Bắc Cực vẫn còn mãi.
Hồng Nhung/Tiền Phong
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/san-bay-gan-bac-cuc-nhat-the-gioi-dang-tan-chay-post1547793.html