Sân bay Long Thành dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong nửa đầu năm 2026.
Không chỉ là một dự án hạ tầng giao thông
Ý tưởng đột phá trong chiến lược giao thông quốc gia là xây dựng một sân bay quốc tế hiện đại quy mô lớn tại phía Nam, hướng đến trở thành trung tâm trung chuyển khu vực, được chính thức đưa vào quy hoạch giao thông quốc gia năm 1995. Đó là cột mốc đầu tiên để ngày nay chúng ta có sân bay Long Thành, một siêu dự án với quy mô, mức đầu tư, tầm vóc thuộc hàng lớn nhất lịch sử hạ tầng Việt Nam.
Khi sân bay Tân Sơn Nhất bắt đầu quá tải và khó có thể mở rộng, thì Long Thành với địa hình bằng phẳng, quỹ đất rộng, nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được xem xét lựa chọn. Năm 2005, Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện báo cáo tiền khả thi. Năm 2015, Quốc hội khóa XIII thông qua chủ trương đầu tư. Tháng 11/2020, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt dự án giai đoạn 1, tổng vốn gần 110.000 tỷ đồng.
Người lao động trên công trường Long Thành.
Ý tưởng về Ban điều phối phát triển vùng sân bay Long Thành
Long Thành không chỉ làm thay đổi cục diện giao thông khu vực, mà còn góp phần tái cấu trúc toàn bộ không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ. Từ vị trí trung tâm trong mạng lưới hạ tầng tích hợp, Long Thành đang định hình một trục tăng trưởng mới, nơi lần đầu tiên kinh tế, dịch vụ và đô thị hội tụ với mức độ liên kết vùng cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, cần một đổi mới về tổ chức lại vùng, từ cách làm phân tán sang điều phối tích hợp, từ đầu tư dàn trải sang lựa chọn có chiếu sau và khả năng lan tỏa.
Việc tổ chức lại đơn vị hành chính theo hướng hợp nhất và quy hoạch tích hợp đang tạo tiền đề cho việc hình thành một siêu đô thị xoay quanh Long Thành. Vì vậy, nhiều chuyên gia nêu ý tưởng cần lập Ban điều phối phát triển vùng sân bay Long Thành trực thuộc Chính phủ, có quyền phân bổ vốn, tháo gỡ chồng lấn quy hoạch và đẩy nhanh các dự án đồng bộ giao thông, đô thị, logistics trong bán kính 50km quanh sân bay. Sự phát triển không gian vùng quanh Long Thành sẽ tác động dây chuyền lên quy hoạch đô thị, phân bố dân cư, hệ thống giao thông công cộng và hạ tầng xã hội.
Khi hoàn thiện, sân bay sẽ có 4 đường băng, 4 nhà ga, công suất 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng/năm, sẽ là đòn bẩy cho tăng trưởng, giúp Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng không khu vực.
Trong chuyến kiểm tra vào tháng 3/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Long Thành không chỉ là một dự án hạ tầng giao thông, mà là biểu tượng cho tầm nhìn phát triển bền vững, khả năng hội nhập và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trên bản đồ kinh tế và hàng không quốc tế”.
Góp phần hiện thực hóa chiến lược giao thông quốc gia, tại khu vực quanh sân bay Long Thành, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An… cũng đã tăng tốc triển khai quy hoạch đô thị sân bay, khu thương mại tự do, trung tâm logistics, chuỗi công nghiệp công nghệ cao.
Các địa phương lân cận đã lồng ghép quy hoạch gắn với Long Thành, từng bước hình thành một vùng đô thị tích hợp (integrated urban region) hiện đại; chứng tỏ tầm nhìn tiếp cận xu thế toàn cầu, trong đó sân bay không chỉ là điểm đến mà là trung tâm sản sinh ra giá trị gia tăng. Long Thành được xác lập là trung tâm động lực phát triển vùng, đóng vai trò kích hoạt chuỗi đô thị vệ tinh và hành lang kinh tế công nghiệp, dịch vụ, công nghệ cao dọc các tuyến cao tốc kết nối như Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3, Vành đai 4 và đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, hình thành một quy hoạch vùng mới.
Trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy tư duy kinh tế vùng và chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, Long Thành giữ vai trò như một động lực, đòn bẩy. Long Thành - Cái Mép Hạ - Cần Giờ trở thành tam giác của vùng Đông Nam Bộ, tạo xung lực cho chuỗi cung ứng liên vùng - liên kết - liên ngành. Tại tâm điểm giao thoa của nhiều tuyến cao tốc, đường sắt và cảng biển, Long Thành trở thành trung tâm logistics vùng với khả năng xây dựng chuỗi cung ứng khép kín ngay tại Việt Nam, giảm phụ thuộc vào các điểm trung chuyển nước ngoài.
Trước sự thay đổi này, hàng loạt DN lớn như Amata, VSIP, Sonadezi, Becamex… cũng đã nắm bắt cơ hội khi quy hoạch mở rộng các khu công nghiệp vệ tinh, đô thị sinh thái, trung tâm logistics hàng không. Sự chuyển dịch về nhân lực tay nghề cao, hình thành các trung tâm đào tạo, bệnh viện vùng và sự gia tăng vốn FDI cũng đã nhìn thấy rõ ràng.
Minh chứng hiệu quả của cải cách thể chế
Dự án sân bay Long Thành cũng là minh chứng cho thấy hiệu quả của cải cách thể chế và sự phối hợp đa ngành, đa cấp trong điều hành phát triển hạ tầng quy mô lớn. Với hơn 20 Bộ, ngành và địa phương liên quan, dự án đã áp dụng nhiều cơ chế đặc thù; rút gọn quy trình thẩm định; tăng cường phân cấp; xác lập vai trò điều phối vùng cho Đồng Nai trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào.
Một tuyến đường kết nối sân bay đang được khẩn trương hoàn thiện. (Ảnh trong bài: Duy Khương)
Công trường sân bay Long Thành là nơi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhiều lần tới kiểm tra, động viên, đốc thúc, kiên quyết mục tiêu chậm nhất tới 31/12/2025 phải cơ bản hoàn thành, nếu không bảo đảm tiến độ thì thay người. Đồng thời, sân bay xong thì các dự án giao thông kết nối cũng phải xong.
Vừa xây sân bay, vừa đầu tư hạ tầng kết nối
Theo các chuyên gia giao thông, cùng với xây dựng sân bay, việc đầu tư hạ tầng kết nối cũng vô cùng quan trọng, vừa để phục vụ sân bay, còn là điều kiện để phát triển các chuỗi đô thị, công nghiệp, logistics phụ cận. Trong bán kính 30 - 50km tính từ sân bay, hàng chục khu công nghiệp, cảng biển, đô thị vệ tinh đang hình thành, đòi hỏi hệ thống giao thông không chỉ nhanh mà còn thông minh, tích hợp.
Để giảm áp lực lên các nút giao dự kiến sẽ tăng đột biến khi cao tốc và sân bay cùng vận hành, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề xuất đầu tư xây dựng tuyến đường trên cao dọc QL51 dài 5,5km, vốn đầu tư hơn 12.800 tỷ đồng theo hình thức PPP. Đồng thời, địa phương kiến nghị Bộ Xậy dựng đẩy nhanh tiến độ mở rộng QL1A, tuyến đường tỉnh 25B, 25C và xem xét kéo dài tuyến metro số 1 đến sân bay Long Thành.
Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành trong Quyết định số 692/QĐ-TTg. Theo đó, Đồng Nai là đầu mối triển khai các công trình như khu công nghiệp hàng không, hệ thống ống dẫn nhiên liệu, trung tâm điều hành hãng hàng không. Bộ Xây dựng phụ trách lựa chọn nhà đầu tư cho khu bảo trì, nhà ga hàng hóa, trong khi TCty ACV tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhà ga hành khách và kho hàng số 1 đến số 4.
Khối lượng công việc khổng lồ, khó; nhưng chắc chắn thành công với sự chỉ đạo quyết liệt, cơ chế đặc biệt và quyết tâm đặc biệt. Ở thời điểm hiện nay tháng 4/2025, liên danh nhà thầu đã hoàn tất việc nâng hệ kết cấu thép mái trung tâm nhà ga tổng khối lượng hơn 5.300 tấn, được lắp ghép từ 256 điểm kết nối theo tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt của châu Âu. Mái vòm cong có diện tích gần 20.000m², với một nhịp vươn ra lên tới 41m, đòi hỏi kỹ thuật nâng kết cấu chính xác và đồng bộ ở mức cao. Một trong những hạng mục phức tạp và mang tính quyết định trong toàn bộ dự án đã hoàn thành, khiến chúng ta càng vui mừng tin tưởng ngày hái “trái ngọt” càng rất gần.
Trong kỷ nguyên mà cạnh tranh quốc gia không còn giới hạn trong hạ tầng hay nhân lực riêng lẻ, mà là sự tổng hòa giữa thể chế, không gian, công nghệ, con người; thì sân bay Long Thành đã, đang trở thành biểu tượng hội tụ của các yếu tố nêu trên. Đây là công trình có khả năng lan tỏa mạnh mẽ, tạo hiệu ứng cộng hưởng giữa trung tâm - vệ tinh, giữa vùng lõi, vùng biên, giữa cấp Trung ương và địa phương.
Nhìn từ Long Thành, câu chuyện phát triển vùng Đông Nam Bộ đang bước vào giai đoạn chuyển mình căn bản, không chỉ về không gian vật lý, mà còn về mô hình tổ chức, quản trị và chiến lược thu hút đầu tư. Việc đồng bộ thể chế, quy hoạch hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao là ba trụ cột không thể tách rời và chính sân bay Long Thành là điểm khởi đầu của hành trình kết nối đó.
Bài học thành công từ Long Thành sẽ là nền tảng để Việt Nam mạnh dạn triển khai những siêu dự án tiếp theo cả trong hạ tầng hàng không, cảng biển, đường sắt tốc độ cao và những vùng kinh tế đặc biệt. Đó là những nền tảng để Việt Nam ngày càng vươn lên về quy mô, chất lượng phát triển, đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Dự kiến khai thác từ đầu năm 2026
Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng với quy mô 5.000ha, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 1, công suất đạt 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, dự kiến cơ bản hoàn thành vào cuối 2025.
Ở giai đoạn 2, sân bay được xây thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách/năm. Giai đoạn 3 hoàn thành hạng mục còn lại để sân bay đạt công suất 100 triệu khách/năm.
Theo tiến độ đã được điều chỉnh, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối 2026. Tuy nhiên, Thủ tướng đã yêu cầu rút ngắn tiến độ, cơ bản hoàn thành dự án vào cuối năm 2025 và đưa vào khai thác trong nửa đầu năm 2026, sớm hơn 6 tháng.
(Còn tiếp)
Duy Khương