Ngày 18/1, tại Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (quận 3, TPHCM), phiên chợ sản phẩm OCOP – đặc sản địa phương Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và Chương trình trao đổi lâm sản ngoài gỗ (NTFP-EP) Việt Nam tổ chức, đã thu hút các doanh nông đến từ nhiều tỉnh thành ở Tây Nguyên, Quảng Ninh, Bình Định… đem những sản phẩm địa phương độc đáo đến tiếp thị người dân TPHCM.
Ngay khi vừa bày bán, nhiều sản phẩm đã nhanh chóng “cháy hàng” như bắp chuối rừng, rau rừng, mật ong ruồi, sâm đương quy tươi, môn dóc, đọt mây, dừa rừng… Nhiều sản phẩm trong số đó đã đạt các chứng nhận về OCOP (mỗi xã một sản phẩm) 3 sao, OCOP 4 sao, các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm hiện hành. Đặc biệt, các sản phẩm “cây nhà lá vườn" này được chính đồng bào Dao, Ba Na, E Đê, S’Tiêng, Rak Ray… tận tay mang đến giới thiệu, hướng dẫn cách sử dụng với khách hàng Sài thành.
Người bán cũng tỏ ra bất ngờ khi được khách hàng TPHCM ủng hộ đông đến vậy
Những chiếc mũ, túi xách, giày dép... được làm từ cỏ bàng
Mời khách tham quan dùng thử hạt kơ-nia vừa giòn giòn, vị béo bùi rất lạ, chị Xuân Thy (đến từ Đắk Lắk) cho biết, đây là hạt rừng do bà con đồng bào hái từ các cây kơ-nia trong rừng. Sau khi thu gom quả, người dân sẽ đập quả để lấy nhân hạt, phơi khô và rang lên với cát. Sản phẩm có nhiều dinh dưỡng và đặc biệt hoàn toàn tự nhiên. Hay sản phẩm mật ong ruồi nguyên tổ được khách hàng yêu thích, với giá 600.000 đồng/kg.
Càng về trưa, phiên chợ càng thêm tấp nập. Ai cũng tay xách nách mang đủ các món ngon vùng miền từ thực phẩm đến các sản phẩm tiêu dùng như túi xách thời trang được dệt bằng tay từ thổ cẩm; dép cỏ bàng, các đồ trang trí bằng gốm… Nhiều người tiếc rẻ khi nhiều sản phẩm rau rừng, sâm tươi bị cháy hàng khá sớm…
Kem đánh răng từ than le, giá 30.000 đồng/hũ
Mật ong ruồi nguyên tổ có giá 600.000 đồng/kg
Sản phẩm gốm độc đáo của đồng bào đến từ tỉnh Đắk Lắk
Ông Lê Viết Bình, Phó Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phụ trách khu vực phía Nam nhìn nhận, sản phẩm OCOP đã và đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn; các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn từ khắp mọi miền tổ quốc được nâng tầm giá trị, đến gần hơn không chỉ với người tiêu dùng trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã trở thành niềm tự hào của quốc gia trong các sự kiện ngoại giao quốc tế.
“Mục tiêu của OCOP không chỉ là tạo nên sản phẩm, mà còn là hình thành thế hệ doanh nông năng động, trách nhiệm, chung tay phát triển giá trị từ tài nguyên bản địa trở thành niềm tự hào cho cộng đồng, địa phương và đất nước” – ông Bình cho biết.
Nhiều sản phẩm "cháy hàng" sớm
Một nữ khách hàng "phải lòng" các sản phẩm túi làm thủ công từ thổ cẩm
Phiên chợ đặc sản địa phương sẽ diễn ra đến hết ngày 19/1.