Sân khấu cải lương: Tín hiệu tích cực từ người trẻ

Sân khấu cải lương: Tín hiệu tích cực từ người trẻ
3 giờ trướcBài gốc
Say mê sử Việt
Mới đây, Dương Khôn, sinh viên lớp đạo diễn sân khấu khóa 6 (2018-2022), Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM, đã đầu tư gần 500 triệu đồng để dàn dựng vở cải lương Truyền tích Cổ Loa xưa. Không chỉ là tác phẩm tốt nghiệp, vở còn được hướng đến tham gia Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc năm 2024. Đạo diễn trẻ Dương Khôn chia sẻ: “Tôi đã đọc kịch bản rất nhiều lần và cảm thấy đồng cảm với nhân vật, một người trẻ yêu thích lịch sử, muốn thông qua lịch sử soi sáng những suy nghĩ của bản thân về quá trình dựng xây của đất nước. Từ đó, tôi đã nỗ lực dàn dựng vở vừa giữ được vẹn nguyên những giá trị đặc sắc của sân khấu cải lương truyền thống, vừa có nét tươi mới, hấp dẫn, dễ xem”.
Năm 2022, nghệ sĩ Bình Tinh tham gia Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc với vở cải lương sử Việt Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên. Năm nay, nữ nghệ sĩ mang đến liên hoan vở Tây Sơn nữ tướng - Chói rạng sơn hà. NS Bình Tinh bày tỏ: “Những vở sử Việt nếu được đầu tư chỉn chu, hoành tráng, có nhiều màn diễn mới, lạ, hấp dẫn, đặc sắc, đáp ứng được về nội dung, tính nghệ thuật và cả chất giải trí thì chắc chắn sẽ thu hút được khán giả đón xem, yêu thích, để hiểu hơn về các anh hùng dân tộc, thêm yêu lịch sử nước mình”.
Dồn tâm huyết và kinh phí để đầu tư thực hiện vở cải lương Người mang 9 án tử, nghệ sĩ trẻ Hoàng Hải bộc bạch: “Nhiều năm qua, tôi vẫn luôn ấp ủ thực hiện một vở cải lương sử Việt. Nhưng để biến ước mơ thành hiện thực là điều không dễ dàng. Quan trọng nhất là vở diễn vừa phải đảm bảo phản ánh chính xác những sự kiện lịch sử, nhưng cũng phải có những mảng miếng trữ tình để tạo nên nhiều sắc thái, sự hấp dẫn. Như Người mang 9 án tử, bên cạnh những sự kiện lịch sử, vở còn tập trung khắc họa tình cảm vợ chồng của Đức Tả Quân, tình cha con, tình bằng hữu… để tạo nên một bức tranh toàn diện, sống động, trữ tình hơn”.
Nghệ sĩ trẻ Hoàng Hải vai Tả Quân Lê Văn Duyệt và NSƯT Bảo Trí vai quan tham Huỳnh Công Lý trong vở cải lương Người mang 9 án tử
Tiếp sức
Dựng vở sử Việt với những đạo diễn dày kinh nghiệm vốn đã không dễ, với người trẻ càng là thử thách lớn lao. Từ khâu kịch bản đã đòi hỏi không chỉ chất nghệ thuật mà còn là sự chỉn chu về lịch sử, sự nghiêm túc khi tái hiện các danh nhân. Phần trang phục cũng yêu cầu sự đầu tư để đảm bảo tính chính xác. Chính vì vậy, kinh phí đầu tư một vở sử Việt nghiêm túc không hề nhỏ, đối với nhiều nghệ sĩ, việc thu bù chi đã là mừng chứ chưa dám nghĩ đến có lời. Đó cũng luôn là nỗi trăn trở lớn với người say mê sử Việt và muốn phát triển cải lương sử Việt.
Là một người có nhiều năm sáng tác sân khấu, soạn giả Hoàng Song Việt tâm tư: “Khi thấy các em đầu tư, dàn dựng, tổ chức, biểu diễn những vở sân khấu nghệ thuật nghiêm túc, nhất là với đề tài lịch sử, với những người đi trước như chúng tôi, đó là một điều cực kỳ hạnh phúc. Việc mà các thế hệ đàn anh cần làm là sát cánh cùng các em, động viên, hỗ trợ từ tinh thần đến chuyên môn. Tôi nghĩ, phải coi như đây là trách nhiệm chung của những người nghệ sĩ đi trước đối với thế hệ nghệ sĩ trẻ đang tiếp nối truyền thống sân khấu cải lương”.
Chung quan điểm, nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường trăn trở: “Cái khó của cải lương lịch sử là sử liệu, cứ liệu không có nhiều, nội dung thường chung chung, ít cụ thể, chi tiết; vậy nên, tác giả, đạo diễn, kể cả người nghệ sĩ, phải sáng tạo, hư cấu thêm. Vấn đề là hư cấu như thế nào cho hợp lý, vẫn đúng với lịch sử, đồng thời vở diễn phải có nội dung hấp dẫn và góp phần tôn vinh giá trị của nhân vật lịch sử. Khi kiểm duyệt kịch bản, vở diễn, các nhà quản lý cũng nên có cái nhìn thông thoáng hơn, để giúp người làm nghệ thuật có thêm sức mạnh từ sự ủng hộ và niềm tin tưởng để tiếp tục cống hiến cho nghề”.
Vở cải lương lịch sử Người mang 9 án tử được nghệ sĩ trẻ Hoàng Hải đầu tư thực hiện, sẽ góp mặt tại Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc năm 2024 diễn ra vào tháng cuối 10 tại TP Cần Thơ
Đối với vấn đề nguồn vốn để xây dựng một thị trường sân khấu truyền thống đậm chất Việt, có một thực tế là vai trò của xã hội hóa chưa cao. Khi sân khấu sử Việt chưa thực sự trở thành một xu hướng chọn lựa của người yêu cải lương thì các nhà đầu tư sẽ ngần ngại khi đầu tư vào đây. Lúc này, các đơn vị quản lý văn hóa, đơn vị nghệ thuật công lập cần đóng vai trò hỗ trợ, thúc đẩy sân khấu sử Việt phát triển. Nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường đề xuất: “Nhà nước thông qua các đơn vị nghệ thuật để đầu tư cho các đạo diễn trẻ dàn dựng các vở cải lương sử Việt; thành lập các nhóm cố vấn là các nghệ sĩ có kinh nghiệm, giỏi nghề, các nhà sử học… để giúp các đạo diễn trẻ vững tin trong sáng tác. Ngoài ra, cần có một liên hoan dành cho đạo diễn trẻ tuổi, trẻ nghề để nuôi dưỡng niềm đam mê và sức sáng tạo cho lực lượng kế thừa...”.
Sân khấu cải lương TPHCM đang có những tín hiệu tích cực từ những người trẻ, và lúc này, những lời động viên, sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, thế hệ đi trước sẽ là nguồn động viên lớn lao, góp phần hun đúc tinh thần, nhiệt huyết, lửa đam mê nghề cho các nghệ sĩ trẻ. Từ đó khuyến khích các nghệ sĩ mạnh dạn đầu tư cho sân khấu truyền thống, mạnh mẽ hoạt động, nâng chất chuyên môn, góp sức thực hiện thêm nhiều tác phẩm sân khấu lịch sử có giá trị cao về tư tưởng, nội dung, tính nghệ thuật, thẩm mỹ.
Thạc sĩ, đạo diễn, NSƯT Lê Nguyên Đạt cho rằng: “Các cuộc thi, liên hoan sân khấu hiện nay nên có thêm quy định riêng dành cho các vở có đề tài sử Việt. Từ đó khuyến khích các nghệ sĩ, đạo diễn trẻ tham gia dàn dựng các vở có đề tài này. Và khi ngày càng có nhiều vở cải lương sử Việt, khán giả sẽ dần yêu thích, tạo nên những xu hướng thưởng thức, giống như các xu hướng hiện nay vốn cũng được tạo nên theo thời gian. Đặc biệt, do hướng đến người trẻ, các vở cải lương sử Việt cũng sẽ giúp các bạn trẻ dần cảm nhận được sự phong phú, hào hùng của lịch sử nước nhà, dần thêm yêu nghệ thuật cải lương truyền thống của dân tộc”
THÚY BÌNH
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/san-khau-cai-luong-tin-hieu-tich-cuc-tu-nguoi-tre-post762311.html