Từ đầu tháng 5, sân khấu Lan Anh - một trong những địa điểm biểu diễn lâu đời tại TP.HCM, chính thức đóng cửa sau 30 năm hoạt động. Sự việc khiến giới nghệ sĩ, nhất là lớp nghệ sĩ trưởng thành từ Làn Sóng Xanh như Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh và khán giả 8X, 9X tiếc nuối.
Dù gắn với nhiều kỷ niệm, nhưng theo nhà phê bình, chuyên gia Nguyễn Phong Việt, việc sân khấu Lan Anh đóng cửa là cái kết tất yếu khi không gian biểu diễn nơi đây không còn phù hợp với xu thế của thời đại.
Sân khấu không còn phù hợp
Sau thông tin sân khấu Lan Anh đóng cửa, nhiều nghệ sĩ và ban tổ chức giải thưởng âm nhạc lớn - trong đó có Làn Sóng Xanh - chia sẻ đây là nơi gắn với nhiều kỷ niệm.
"Không khí rần rần của những tháng năm không gì thay thế được. Tạm biệt Lan Anh nhưng ký ức về nơi đây chắc chắn sẽ luôn ở lại thanh xuân của những người yêu nhạc, đặc biệt là thế hệ 8X, 9X - những người đầu tiên đồng hành và gắn bó yêu thương Làn Sóng Xanh", ban tổ chức hoài niệm.
Dù là nơi gắn với nhiều hoài niệm của thế hệ âm nhạc và sân khấu chứng kiến sự nổi tiếng của loạt nghệ sĩ nổi tiếng, sân khấu Lan Anh sau 20 năm được chuyên gia nhận định không còn phù hợp với cách phát triển của âm nhạc hiện đại. Ông Phong Việt cho rằng sân khấu buộc phải dừng lại do khó đáp ứng yêu cầu của thị trường.
"Điểm yếu rõ nhất nằm ở hạ tầng và thiết kế quá lạc hậu. Quy mô của sân khấu không còn phù hợp nữa. Cấu trúc lối đi, cửa bên hông, đường lên sân khấu đều chật chội, cũ kỹ. Mặt sân khấu không có nhiều thay đổi sau nhiều năm hoạt động và không còn phù hợp với concert lớn, kể cả trong nước và quốc tế. Thị trường biểu diễn ngày nay đòi hỏi sân khấu phải hiện đại, đa chức năng và tạo được không gian trình diễn đột phá", chuyên gia Phong Việt nói.
Nghệ sĩ, khán giả tiếc nuối sân khấu Lan Anh đóng cửa chủ yếu do hoài niệm.
Chuyên gia đồng ý sân khấu Lan Anh từng là điểm hẹn lớn của giới nghệ sĩ và người yêu nhạc trong nhiều năm, không ai có thể quên sự tỏa sáng của Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung, Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Mỹ Tâm tại Làn Sóng Xanh... Tuy nhiên, sự gắn bó tình cảm của nghệ sĩ, khán giả không bù đắp được những thiếu hụt về mặt kỹ thuật của sân khấu.
"Sự gắn bó tình cảm không thể bù đắp nhiều thiếu hụt. Ngày nay, khán giả kỳ vọng rất khác về sân khấu và nơi để họ thưởng thức âm nhạc. Khán giả đòi hỏi sân khấu phải có hiệu ứng mạnh, không gian linh hoạt, trải nghiệm tổng thể. Nhiều show lớn hiện tại nay như concert Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi... đều được đầu tư lớn, quy mô vài chục nghìn khán giả. Lan Anh không còn theo kịp những tiêu chí đó", chuyên gia Phong Việt nói thêm.
Chuyên gia nói thêm nghệ sĩ trẻ hiện nay không còn cảm thấy hứng thú với mô hình biểu diễn sân khấu cũ. Điều đó buộc Lan Anh phải thay đổi muốn tìm lại hào quang như thời Làn Sóng Xanh những năm cuối thập niên 1990-đầu 2000.
"Nói đúng hơn, Lan Anh đã trở thành sân khấu cũ trong mắt nghệ sĩ mới. Sân khấu bị cũ kỹ về mặt vật lý và không có nhiều thứ để nghệ sĩ thổi bừng sự sáng tạo", chuyên gia Phong Việt nói thêm.
Cần thay đổi phù hợp xu hướng thời đại
Bức tranh tổng thể cho thấy thị trường âm nhạc Việt Nam bước vào giai đoạn sôi động, với hàng loạt chương trình biểu diễn quy mô lớn, chất lượng ngày càng cao. Số lượng khán giả ở mỗi concert có lúc lên đến vài chục nghìn người, có thể kể đến concert Anh trai ở Global City, Công viên Bờ sông Sài Gòn, concert BlackPink sang Việt Nam hơn 30.000 người/đêm.
Cùng với sự phát triển quy mô là sự dịch chuyển trong cách khán giả thưởng thức nghệ thuật. “Khán giả ngày nay không chỉ đến để nghe hát. Họ cần một trải nghiệm toàn diện từ không gian, ánh sáng, âm thanh đến cảm xúc. Điều đó đòi hỏi sân khấu phải thay đổi”, ông Phong Việt nói.
Sự chuyển dịch này thể hiện rõ ở việc nhiều nghệ sĩ chọn tổ chức concert ngoài trời thay vì biểu diễn trong nhà hát. “Dẫn chứng gần nhất Mỹ Tâm chọn bãi biển làm show, Hà Anh Tuấn dựng sân khấu tại Global City. Tất cả nghệ sĩ lớn đều chọn không gian mở để có được trải nghiệm mới, phù hợp xu hướng quốc tế”, chuyên gia phân tích.
Trong khi các sân khấu ngoài trời được dàn dựng linh hoạt, tạo cảm giác gần gũi, tự do và sáng tạo theo ý thích của nghệ sĩ, những sân khấu truyền thống tại TPHCM như Lan Anh, kể cả Nhà hát Hòa Bình khó đáp ứng được yêu cầu trên.
Sân khấu Lan Anh không còn phù hợp với xu hướng tổ chức liveshow, concert của nghệ sĩ hiện tại.
Ông Phong Việt cho rằng nghệ sĩ và khán giả tiếc nuối sân khấu Lan Anh đóng cửa phần lớn do hoài niệm quá khứ. Hơn ai hết, họ hiểu rõ Lan Anh không thể hoạt động nếu không thay đổi.
Thời kỳ Làn Sóng Xanh cuối thập niên 1990 đầu 2000 là giai đoạn rực rỡ của nhạc Việt. Thế hệ nghệ sĩ tài năng đồng loạt xuất hiện trên sân khấu Lan Anh, từ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh đến Quang Dũng, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng... Lúc đó, nghệ sĩ phải hát live, sự ấm cúng, gần gũi của những sân khấu như Lan Anh hoàn toàn phù hợp, theo ông Việt.
Nhưng giờ đây, nghệ sĩ thành công không hoàn toàn nhờ giọng hát. Điều khán giả để ý mỗi lần đi xem concert là sân khấu hoành tráng, sự hỗ trợ của vũ đoàn.
"Lớp nghệ sĩ hiện nay, kể cả Hieuthuhai, nếu không có những yếu tố bổ trợ và sân khấu hoành tráng, họ không thể tỏa sáng như nghệ sĩ thuộc thế hệ Làn Sóng Xanh. Sự chuyển hướng này cho thấy sân khấu đóng vai trò quan trọng với nghệ sĩ", ông Phong Việt nói thêm.
Từ trường hợp của sân khấu Lan Anh, ông Việt cũng chỉ ra thực trạng sân khấu tại TPHCM hiện nay. Sân khấu Hòa Bình đang sửa chữa để phù hợp thị trường, Trống Đồng hoạt động rất cầm chừng, trong khi 126 đóng cửa từ lâu. Các không gian biểu diễn nói trên gần như không còn phù hợp nữa. Nếu nghệ sĩ muốn tổ chức concert đúng nghĩa, họ buộc phải dựng sân khấu ngoài trời, làm mọi thứ từ đầu.
"Việc Lan Anh đóng cửa là bước đi hợp lý. Sân khấu buộc chuyển đổi mục đích kinh doanh để tận dụng lợi thế vị trí đắc địa tại TPHCM. Nếu muốn tiếp tục theo đuổi sân khấu âm nhạc phải thay đổi toàn diện từ thiết kế không gian, công nghệ biểu diễn cho đến mô hình vận hành. Nếu không làm mới, thì việc đóng lại là tất yếu”, chuyên gia Nguyễn Phong Việt khẳng định.
Trọng Huy