Giám đốc Thủy điện Itaipu, Enio Verri, cho biết hạn hán kỷ lục trong năm vừa qua đã làm mực nước chứa tại hồ thủy điện xuống thấp làm công suất của nhà máy không hoạt động được ở mức tối đa.
Nhà máy thủy điện Itaipu, nằm trên sông Paraná tại khu vực biên giới giữa Brazil và Paraguay, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho cả hai quốc gia.
Năm 2023, sản lượng của Itaipu đạt mức kỷ lục trong giai đoạn 2018-2023 với 83,9 triệu MWh. Mặc dù không đạt được công suất như dự kiến nhưng Itaipú vẫn cung cấp gần 80% lượng điện tiêu thụ của Paraguay trong năm 2024 và 6% lượng điện sử dụng của Brazil, với 46 triệu MWh.
Itaipu, được bắt đầu xây dựng vào năm 1974 trên sông Paraná, là con sông lớn thứ hai ở Nam Mỹ, chảy qua nhiều quốc gia. Với công suất lắp đặt là 14.000 MW, Itaipu có 20 tổ máy phát điện, mỗi tổ có công suất 700 MW, và sản xuất trung bình hơn 75 triệu MWh điện mỗi năm.
Công trình hiện đại này do Chính phủ Brazil và Paraguay đồng sở hữu. Itaipu cung cấp khoảng 15% lượng điện tiêu thụ tại Brazil và khoảng 90% nhu cầu điện của Paraguay. Itaipu từng là nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới về sản lượng điện cho tới khi Nhà máy thủy điện Tam Hiệp của Trung Quốc đi vào hoạt động.
Tuy thủy điện Tam Hiệp vượt qua về công suất lắp đặt, Itaipu vẫn giữ kỷ lục về sản lượng điện hằng năm, đạt hơn 103 triệu MWh vào năm 2016.
Mặc dù sản lượng điện của Itaipu giảm vào năm ngoái, nhưng vào năm 2024, công trình thủy điện này đã được ghi vào Sách kỷ lục Guinness với sản lượng tích lũy năng lượng thủy điện lớn nhất trên thế giới, với hơn 3,038 tỷ MWh được tạo ra kể từ khi nó bắt đầu hoạt động vào tháng 5/1984 cho đến cuối tháng 10/2024.
Itaipu không chỉ là công trình kỹ thuật vô cùng ấn tượng mà còn là một điểm du lịch nổi tiếng. Du khách có thể tham quan nhà máy, tìm hiểu về cách hoạt động của hệ thống phát điện và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của đập Itaipu cùng cảnh quan xung quanh.
Diệu Hương/TTXVN