Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi theo Chương trình GDPT 2018 với nhiều điểm mới. Ảnh: Lan Anh
Nhận diện được những khó khăn, các trường của Hà Nội đã tích cực xây dựng kế hoạch học tập và ôn luyện từ sớm, tạo thế chủ động cho học sinh.
Trang bị kiến thức, ôn tập từ sớm
Xác định tầm quan trọng của kỳ thi, ngay từ đầu năm học, Trường THPT Ngô Quyền (Ba Vì, Hà Nội) xây dựng kế hoạch giảng dạy linh hoạt. Theo đó, chương trình được thiết kế đảm bảo học sinh vừa học theo tiến độ vừa có thời gian ôn tập và củng cố kiến thức chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Ngô Sỹ Diệm, việc làm quen với định dạng câu hỏi mới là yếu tố quan trọng giúp học sinh tự tin trong kỳ thi. Vì thế, giáo viên sẽ tập trung ôn luyện theo cấu trúc đề thi mới của Chương trình GDPT 2018, bao gồm các phần kiểm tra năng lực tư duy và ứng dụng kiến thức.
Từ tháng 10/2024, sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2025, nhà trường triển khai đến giáo viên dạy các môn học để tổ nhóm xây dựng ma trận, cấu trúc đề kiểm tra giữa kỳ và định kỳ phù hợp. Các nhóm chuyên môn phát triển đề tham khảo để có tài liệu ôn tập chung phù hợp nhất cho học sinh toàn trường.
Ban giám hiệu đồng thời giao nhiệm vụ cho giáo viên dạy các bộ môn hướng dẫn học sinh vừa học vừa ôn thi. Vận động giáo viên dành tâm huyết cho nhóm có học lực yếu nhằm nâng cao dần kết quả học các môn; tiếp tục tổ chức lớp ôn thi tăng cường cho học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp để kèm cặp phụ đạo như năm trước.
Tại Trường THPT Lưu Hoàng (Ứng Hòa, Hà Nội), việc chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 được triển khai từ sớm. Đối với bộ môn lần đầu thi tốt nghiệp như Tin học và Công nghệ, nhà trường yêu cầu các tổ chuyên môn tập trung xây dựng ngân hàng câu hỏi, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, tổ chức sinh hoạt liên môn với tổ chuyên môn có môn từng thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao để trao đổi kinh nghiệm.
Trường tổ chức các buổi ôn thi tốt nghiệp với giáo trình và tài liệu ôn tập phong phú. Học sinh được hướng dẫn cách giải đề, làm bài thi hiệu quả, nâng cao kỹ năng thi cử. Trường cũng tổ chức nhiều câu lạc bộ về Vật lý, Khoa học kỹ thuật, Lập trình, Tiếng Anh… giúp học sinh rèn luyện kỹ năng, phát huy đam mê và sở trường.
Qua phổ biến của nhà trường, các thầy, cô giáo, Nguyễn Phương Linh - học sinh lớp 12A1, Trường THPT Lưu Hoàng đã nắm rõ những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp năm nay và đang chuẩn bị từng bước. Ngoài kiến thức, Linh cố gắng làm quen với bộ đề mới, rèn luyện phương thức làm bài để có thể đạt điểm cao.
Cô trò Trường THPT Ngô Quyền (Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: Lan Anh
Tăng cường hỗ trợ học sinh
Thầy Nguyễn Bình Long - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng cho biết: Trước kỳ thi có nhiều đổi mới, giáo viên, học sinh không tránh khỏi những băn khoăn. Do đó, nhà trường đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chuyên môn giúp các thầy, cô giáo chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu dạy học, đặc biệt quan tâm đến những em có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ học sinh chịu ảnh hưởng trong trận lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 3 năm 2024. Tích cực tuyên truyền về kỳ thi, đặc biệt là nội dung, hình thức và cách lựa chọn môn đăng ký dự thi.
Theo thầy Long, để thuận lợi cho các thí sinh, Bộ GD&ĐT sớm ban hành Thông tư số 24/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. So với những năm trước, kỳ thi từ năm 2025 giảm 1 buổi thi, 2 môn thi, qua đó giảm áp lực, chi phí xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng. Học sinh là người được hưởng lợi từ những thay đổi này, việc thi cử sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Lần đầu tiên, các môn Tin học và Công nghệ được đưa vào nội dung thi tốt nghiệp THPT. Đây chính là động lực để giáo viên chuẩn bị chu đáo, kỹ càng hơn với những môn học này, nhưng cũng đặt ra thử thách do các thầy cô giáo chưa có nhiều kinh nghiệm ôn tập cho học sinh.
Cô Trần Thị Ngọc Bích - Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Do kiến thức bộ môn rộng, đa dạng, gồm cả lý thuyết và thực hành nên nhiều giáo viên còn lúng túng trong việc xây dựng đề cương ôn tập. Thời gian ôn tập có hạn đòi hỏi người dạy phải nghiên cứu để xây dựng kế hoạch ôn tập với nội dung và hình thức ôn chi tiết đến từng buổi học.
Sự đa dạng về trình độ và mục tiêu của mỗi học sinh cũng khác nhau. Theo khảo sát của Trường THPT Yên Hòa, hiện có 120 học sinh chọn thi tốt nghiệp môn Tin học, trong đó 75% các em đặt mục tiêu thi tốt nghiệp đạt từ 9,5 điểm trở lên để xét vào đại học, 25% còn lại chỉ đặt mục tiêu đủ điểm đỗ tốt nghiệp. Do đó, giáo viên cần phân loại để đáp ứng mục tiêu của từng nhóm.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ: Năm đầu tiên tổ chức kỳ thi theo chương trình, quy chế mới, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn và sở đã lường trước những vấn đề này. Cụ thể, có nhiều tổ hợp ở môn tự chọn, dẫn đến đội ngũ bộ máy sẽ vất vả, từ khâu in sao đề thi đến việc sắp xếp, tổ chức các phòng thi, phân công giáo viên coi thi.
Với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, Sở GD&ĐT Hà Nội đang gấp rút chuẩn bị điều kiện tốt nhất, tạo thuận lợi tối đa cho các em tham dự kỳ thi này. Sở đề nghị các trường xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể, sát với yêu cầu thực tế; quan tâm và có giải pháp phù hợp với những môn thi có số lượng học sinh đăng ký không nhiều; đẩy mạnh thực hiện cá biệt hóa quá trình ôn tập, bảo đảm không để bất cứ học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Sở cũng lưu ý các đơn vị phát huy cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm; có giải pháp, cơ chế động viên, khuyến khích giáo viên chủ nhiệm tích cực phối hợp cùng giáo viên bộ môn trong quá trình tổ chức ôn tập cho học sinh.
Ông Trần Thế Cương nhấn mạnh, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cần quan tâm đến sự đồng đều về chất lượng; có giải pháp phù hợp, động viên khuyến khích học sinh tích cực chuẩn bị tốt cho các môn đăng ký thi tốt nghiệp THPT, tránh hiện tượng chỉ quan tâm môn học nhằm mục đích tuyển sinh, bỏ qua các môn còn lại.
Vân Anh