Sẵn sàng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình

Sẵn sàng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình
7 giờ trướcBài gốc
Một góc Thủ đô Hà Nội hôm nay. Ảnh: Hoàng Hà (Vietnamnet.vn)
Đủ thế, lực và sự quyết tâm
Chúng ta đã đủ thế và lực; đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc hay chưa? Câu trả lời là: "Đã đủ”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của dân tộc, sau gần bốn thập niên thực hiện đường lối đổi mới, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã tiến lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế xếp thứ 34 thế giới; thu nhập bình quân đầu người đạt 4.700 USD, chỉ số phát triển con người HDI xếp thứ 107… Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao, hợp tác với 194 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, chúng ta có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với hơn 30 quốc gia, là đối tác chiến lược toàn diện của các nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Bước vào kỷ nguyên mới, mặc dù bối cảnh quốc tế đang diễn biến phức tạp, nhanh, nhạy cảm và khó dự đoán nhưng Việt Nam vẫn được xem là một đối tác đáng tin cậy, giàu tiềm năng và ngày càng có vai trò quan trọng trong các cấu trúc hợp tác khu vực và toàn cầu. Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư FDI với môi trường chính trị ổn định, dân số trẻ, năng động và việc tham gia đầy đủ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTTP, EVFTA, RCEP… Chỉ tính riêng quý I/2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,93%, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 4,96 tỷ USD, xuất siêu 3,16 tỷ USD, thu ngân sách nhà nước tăng 29,3% và có trên 6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,6% so với cùng kỳ là những con số sinh động, minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam ở hiện tại và trong tương lai.
Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn để bứt phá
Mặc dù thành tựu đạt được là hết sức to lớn, tạo nền tảng rất căn bản, vững chắc để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. Tuy nhiên, không phải không có những khó khăn, thách thức và Đảng ta đã chỉ rõ, đề ra những chủ trương, đường lối, chính sách với quyết tâm chính trị cao và hành động quyết liệt. Cụ thể, những điểm nghẽn về thể chế; hạ tầng giao thông, logistics, năng lượng; nguồn nhân lực chất lượng cao; khoa học và công nghệ đã và đang được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đặc biệt quan tâm, tập trung cao độ, nỗ lực lớn để thực hiện hiệu quả, sẵn sàng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Từ việc tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” là thể chế mà Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội khóa XV thông qua 18 luật, 21 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu với 10 dự án luật khác là một ví dụ. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Cần tập trung, nhanh tháo gỡ, khơi thông 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”; tạo tiền đề, chuẩn bị ngay về mọi mặt để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cho thấy sự thống nhất trong tư tưởng, hành động và sự đồng thuận, nhất quán giữa ý Đảng với lòng dân.
Kết cấu hạ tầng giao thông và các khu công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển hiện đại và đồng bộ.
Cùng với đẩy mạnh xây dựng cơ chế, chính sách, Đảng ta đồng thời tập trung lãnh đạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Theo đó, sẽ hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan từ Trung ương đến cơ sở trong năm 2025, đảm bảo mục tiêu “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”. Mục tiêu tối thượng là xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh.
Để tạo bước phát triển đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tận dụng tối đa thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngày 22/12/2024 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây được xem là “xương sống” của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thực hiện khát vọng đưa đất nước trở thành nước công nghiệp phát triển, thu nhập cao.
Các dự án lớn về năng lượng, giao thông, công nghệ số… được đầu tư với quyết tâm rất cao, hành động quyết liệt và có mục tiêu với lộ trình thực hiện và kết quả rất cụ thể. Có thể kể đến mục tiêu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc; khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài, xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; phấn đấu cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành…
Bài toán kết hợp thế và lực đã được giải một cách rất bài bản, căn cơ và toàn diện. Với nền tảng nội lực ngày càng được củng cố, kinh tế tăng trưởng ổn định, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo được thúc đẩy mạnh mẽ. Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ đang phát triển, lực lượng lao động trẻ, ham học hỏi, có khả năng thích nghi nhanh. Bên cạnh đó, tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đang được khơi dậy mạnh mẽ trong toàn xã hội. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng dân tộc Việt Nam, đất nước ta sẽ bứt phát phát triển trong kỷ nguyên vươn mình để trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.
Minh Hoàng
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202505/san-sang-dua-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-vuon-minh-a130683/