Ảnh: Thành Đạt
Hiện cả nước có 469 mã số vùng trồng vải với tổng diện tích 19.377ha và 55 mã số cơ sở đóng gói đi các thị trường Trung Quốc, Australia, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ.
Đa dạng thị trường và hình thức tiêu thụ
Tại vùng vải thiều xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang những ngày này, người dân đang tất bật chuẩn bị cho vụ thu hoạch năm 2025. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Yên Nguyễn Huy Ngọc cho biết: Tổng diện tích vải thiều toàn huyện năm 2025 là 1.375ha, sản lượng ước đạt 15.500 tấn (tăng 500 tấn so với năm 2024), trong đó diện tích vải thiều chín sớm là 1.250ha, sản lượng ước đạt 15.000 tấn; diện tích vải thiều chính vụ là 125ha, sản lượng ước đạt 500 tấn. Trong số này, diện tích vải thiều đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP là khoảng 455ha.
Huyện đã chỉ đạo quản lý, giám sát chặt chẽ đối với 33 mã vùng trồng vải xuất khẩu với tổng diện tích 1.036ha đủ điều kiện xuất khẩu đi các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Thái Lan, Australia. Dự kiến, thời gian bắt đầu thu hoạch khoảng từ cuối tháng 5, thu hoạch tập trung vào đầu tháng 6 và kết thúc vào khoảng 15/6/2025; xuất khẩu khoảng 12.000 tấn, tăng khoảng 1.000 tấn so với năm 2024, tập trung chủ yếu vào các thị trường chất lượng cao; tiêu thụ trong nước khoảng 3.500 tấn.
“Đối với thị trường trong nước, vải thiều chín sớm Tân Yên sẽ được tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn, sàn thương mại điện tử; các chợ đầu mối. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã khảo sát, ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ vải thiều xuất khẩu với sản lượng khoảng 700 tấn. Ngoài ra, các doanh nghiệp tiêu thụ truyền thống như Công ty cổ phần Toàn Cầu, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Rồng Đỏ, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu VIFOCO, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam… cam kết tiêu thụ vải thiều chất lượng năm 2025. Đáng chú ý, ngay từ đầu vụ, Công ty Dragonberry Produce đã khảo sát, lựa chọn vùng trồng để phối hợp, ký hợp đồng liên kết theo chuỗi từ sản xuất, sơ chế, đóng gói đến tiêu thụ tại thị trường Bắc Mỹ với diện tích liên kết là 30ha”- ông Ngọc nhấn mạnh.
Bắc Giang là tỉnh trọng điểm trồng vải của cả nước với tổng diện tích khoảng 29.700ha. Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 16.000ha, diện tích vải được cấp chứng nhận GlobalGAP là 204ha; diện tích vải đạt tiêu chuẩn hữu cơ là 10ha. Năm 2025, sản lượng vải thiều toàn tỉnh dự kiến đạt hơn 165.000 tấn. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo sản xuất 240 mã số vùng trồng vải với diện tích 17.421ha phục vụ xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Australia, Thái Lan, Nhật Bản; duy trì 40 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số bảo đảm đủ điều kiện phục vụ xuất khẩu; trong đó có 37 cơ sở phục vụ thị trường Trung Quốc, 1 cơ sở phục vụ thị trường Thái Lan, 1 cơ sở phục vụ thị trường Nhật Bản, 1 cơ sở đóng gói phục vụ thị trường Mỹ.
Chủ động các phương án bảo quản, chế biến
Theo Cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt, để thuận lợi cho công tác tiêu thụ, cục phối hợp các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng cho chuyên gia các thị trường nhập khẩu vào kiểm tra điều kiện sản xuất, kiểm dịch thực vật đối với quả vải; bố trí cán bộ ứng trực 24/7 tại cửa khẩu và các phòng thử nghiệm để phục vụ thủ tục kiểm dịch thực vật, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng đối với các lô hàng vải tươi xuất khẩu; cử cán bộ kiểm dịch để tiến hành kiểm tra tại chỗ tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. Đồng thời, cục yêu cầu các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu chủ động làm việc với các cơ quan liên ngành tại cửa khẩu và cơ quan kiểm dịch nước nhập khẩu (chủ yếu là Trung Quốc) để thông quan nhanh nhất cho các lô hàng vải tươi.
Về bảo quản, chế biến trong thời điểm thu hoạch rộ, cục đề nghị các doanh nghiệp chế biến nông sản có kế hoạch thu mua vải làm nguyên liệu để giảm áp lực tiêu thụ khi rộ vụ; kết nối các doanh nghiệp với hệ thống kho lạnh quy mô lớn để hỗ trợ bà con bảo quản vải trong lúc chưa bán được ngay hoặc huy động nguồn lực để đầu tư kho lạnh tạm thời, các điểm sơ chế lưu động nhằm giảm áp lực tiêu thụ trong giai đoạn cao điểm thu hoạch.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, bộ đang cùng các địa phương chuẩn bị các điều kiện hạ tầng cho thu hoạch, vận chuyển, sơ chế và bảo quản sản phẩm; trong đó chú trọng quan tâm đến các vấn đề về logistics. Tới đây, bộ sẽ làm việc với cơ quan hải quan tại các cửa khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ trái vải tươi, cụ thể như mở luồng xanh cho xuất khẩu quả vải tại cửa khẩu.
Bộ cũng yêu cầu cần sự liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản đến chế biến, tiêu thụ; nhất là liên kết giữa cơ sở sản xuất với cơ sở chế biến, đóng gói và doanh nghiệp xuất khẩu; liên kết giữa các doanh nghiệp với đối tác nhập khẩu. Ngoài ra, cần linh hoạt bố trí các hình thức vận chuyển với nhiều kênh tiêu thụ khác nhau. Các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi biến động thị trường nhập khẩu quả vải, nhất là Trung Quốc để việc tiêu thụ được thông suốt. Về lâu dài, cần hoàn thiện gói kỹ thuật rải vụ cho cây vải để giảm áp lực mùa vụ; khuyến khích, hỗ trợ đầu tư trung tâm chiếu xạ, kho lạnh cấp vùng, kết hợp với hệ thống vận tải lạnh liên vùng để tối ưu chi phí logistics, góp phần phát triển thương hiệu quốc gia vải thiều Việt Nam.
TIẾN ANH