Sẵn sàng khai hội Dâng trâu tế trời đền Chín Gian

Sẵn sàng khai hội Dâng trâu tế trời đền Chín Gian
2 ngày trướcBài gốc
Video: Các lực lượng tập luyện, sẵn sàng cho Lễ hội Dâng trâu tế trời Đền Chín Gian.
Đền Chín Gian xưa có tên gọi là “Tến Xớ Quái” (đền Hiến Trâu), nằm trên một ngọn đồi nhỏ “Pú Pỏm” và cạnh dòng suối Tốn (nay thuộc xã Thanh Quân, huyện Như Xuân). Nơi đây diễn ra lễ hội Dâng trâu tế trời là nghi thức tín ngưỡng tri ân những người đã có công xây bản, lập mường, những người có công với nước; cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trước sân đền tái dựng hình ảnh 9 con trâu đá, 6 trâu đen, 3 trâu trắng và 9 giếng tượng trưng cho những nét văn hóa độc đáo của người dân tộc Thái và tạo nên sự hấp dẫn của ngồi đền Chín Gian.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lễ tế hàng năm diễn ra vào cuối tháng 6 âm lịch, có 9 mường tham gia. Từ sau năm 1944 lễ tế không còn được tổ chức, vì vậy ngôi đền dần xuống cấp. Từ tháng 4/2016, đền được khởi công tôn tạo và hoàn thành vào tháng 9/2017. Đền được phục dựng theo kiến trúc nhà sàn của người Thái, vật liệu bằng bê tông, gồm chín gian trên nền của ngôi đền cũ. Đền được gọi là “Chín Gian” bởi kiến trúc đặc trưng gồm chín gian thờ chính, tượng trưng cho sự hòa hợp giữa trời, đất và con người. Đây là nơi thờ các vị thần linh và anh hùng dân tộc có công bảo vệ đất nước, đồng thời là không gian văn hóa tâm linh quan trọng đối với cộng đồng dân cư. Đền Chín Gian được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2015.
Những ngày này, tại khu vực đền Chín Gian, hơn 100 thành viên thuộc các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian, đoàn viên thanh niên, học sinh đang miệt mài tập luyện các nghi thức rước kiệu, tế lễ và các tiết mục văn hóa, văn nghệ phục vụ lễ hội.
Chị Sầm Thị Bích, thôn Thanh Tân, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân cho biết: "Tôi và bà con rất phấn khởi tham gia tập luyện văn nghệ phục vụ cho đại lễ. Tôi mong muốn qua lễ hội đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh sẽ biết đến văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái và di tích lịch sử đền Chín Gian".
Việc tham gia lễ hội hàng năm đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động tín ngưỡng, nhất là đối với đồng bào dân tộc Thái. Lễ hội dâng trâu tế trời đền Chín Gian bên cạnh phần nghi lễ được diễn ra trang nghiêm và mang tính truyền thống, không khí tươi vui của lễ hội còn tưng bừng hơn với phần hội với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao như: tục cầu mưa của người Thái, hò vè giao duyên, nhảy sạp, đánh cồng chiêng, hội thi người đẹp dân tộc trong trang phục truyền thống, múa cây bông, ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy, bóng chuyền da nam...
Lễ vật đặc trưng và quan trọng nhất của lễ hội dâng trâu tế trời là con trâu tơ khỏe mạnh, chưa dùng cày kéo và không có các dị tật cơ thể. Đồng thời, tại buổi lễ, mỗi mường phải chuẩn bị thêm 9 con lợn con, 90 con gà nhỏ, 90 cặp cá khô và một chum rượu cần (lẩu xá).
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: Đến thời điểm hiện tại công tác chuẩn bị cho lễ hội đã cơ bản hoàn thành. Qua lễ hội huyện Như Xuân mong muốn giới thiệu, quảng bá tiềm năng thế mạnh về văn hóa, du lịch nhằm thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Thời gian tới huyện sẽ chủ động phối hợp với các cấp, các ngành có thẩm quyền để xây dựng hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận lễ hội Dâng trâu tế trời đền Chín Gian là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Để phục vụ cho đại lễ năm nay, huyện Như Xuân đã đôn đốc các nhà thầu hoàn tất việc trùng tu, tôn tạo đền Chín Gian, tiến hành chỉnh trang cảnh quan các tuyến đường ra vào khu vực tổ chức lễ hội, trang hoàng khánh tiết trong và ngoài khu vực tổ chức lễ hội. Chuẩn bị địa điểm để tổ chức giải thể thao và dựng các gian hàng trưng bày sản phẩm địa phương.
Với nhiều giá trị văn hóa - tín ngưỡng - tâm linh đặc sắc, lễ hội dâng trâu tế trời đền Chín Gian đã sẵn sàng mời gọi du khách đến khám phá.
Anh Tuân
.
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/san-sang-khai-hoi-dang-trau-te-troi-den-chin-gian-240110.htm