Họp báo giới thiệu chương trình Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội năm 2025
Họp báo có sự tham dự của bà Trần Thị Lan Phương, Vụ trưởng Vụ VHVN (Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương); ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng Biên tập Báo Văn hóa; bà Lê Thị Ánh Mai, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
Về phía tỉnh Lâm Đồng có ông Đinh Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban tổ chức Ngày văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội 2025; ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Sở VHTTDL Lâm Đồng, Phó Trưởng Ban tổ chức; đại diện các sở, ngành, địa phương, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng.
Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội năm 2025 là sự kiện văn hóa - du lịch quy mô lớn, sẽ diễn ra từ ngày 16-18.5 tại trung tâm của Thủ đô, nhằm quảng bá hình ảnh, con người, văn hóa và tiềm năng kinh tế, du lịch đặc sắc của vùng đất cao nguyên.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đinh Văn Tuấn phát biểu tại họp báo
Phát biểu tại họp báo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đinh Văn Tuấn cho biết: “Đây là cơ hội để Lâm Đồng quảng bá, kêu gọi đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp văn hóa, du lịch - dịch vụ. Chúng tôi cũng muốn thể hiện tinh thần cởi mở chào đón các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến với địa phương”.
“Lâm Đồng sẽ tạo điều kiện tối đa, cam kết thực hiện quyết liệt và hiệu quả việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện đầu tư, kinh doanh tại địa phương”, ông Đinh Văn Tuấn khẳng định.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Sở VHTTDL Lâm Đồng cho biết: “Chương trình lần này có nhiều hoạt động, nội dung phong phú, đầu tư bài bản và là dịp để Lâm Đồng lan tỏa các giá trị di sản, sáng tạo và bản sắc địa phương đến gần hơn với người dân Thủ đô cũng như du khách quốc tế”.
“Qua sự kiện này, chúng tôi cũng khẳng định vị thế của Đà Lạt nói riêng, Lâm Đồng nói chung là trung tâm du lịch chất lượng cao, Thành phố Festival Hoa của Việt Nam và Thành phố Sáng tạo về Âm nhạc được UNESCO công nhận”, ông Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Sở VHTTDL Lâm Đồng giới thiệu tổng thể Chương trình
Lâm Đồng mang “một thoáng cao nguyên” đến trái tim Thủ đô
Với chủ đề Một thoáng Lâm Đồng tại Hà Nội, chương trình gồm chuỗi hoạt động phong phú như: Diễn đàn kết nối “Văn hóa - Du lịch - Thương mại” giữa Lâm Đồng và Hà Nội, trưng bày sản phẩm OCOP, triển lãm quy hoạch phát triển tỉnh Lâm Đồng - Đà Lạt, không gian thưởng trà, trình diễn nghệ thuật và các gian hàng giới thiệu sản vật địa phương.
Đặc biệt, đêm khai mạc vào tối 17.5 tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm hứa hẹn tạo dấu ấn nghệ thuật sâu sắc với chương trình biểu diễn kết hợp giữa truyền thống và đương đại, tái hiện vẻ đẹp lãng mạn, thanh bình của xứ sở hoa và âm nhạc.
Trong ba ngày diễn ra sự kiện, khu vực phố đi bộ sẽ trở thành “bức tranh Lâm Đồng thu nhỏ” với các gian hàng giới thiệu sản vật đặc trưng như: Trà B’Lao, cà phê Cầu Đất, rau củ hữu cơ, rượu vang Đà Lạt, sản phẩm thổ cẩm của đồng bào K’Ho, Churu…
Cùng với đó là không gian văn hóa dân gian, trò chơi truyền thống và các buổi trình diễn thời trang, nghệ thuật đường phố.
Các đại biểu tham dự họp báo
Cần định vị lại du lịch Lâm Đồng: Từ điểm đến lãng mạn đến trải nghiệm chiều sâu
Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội 2025 không chỉ là một sự kiện quảng bá du lịch đơn thuần, mà còn đặt ra nhiều vấn đề cần nhìn nhận lại trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Lâm Đồng, đặc biệt là Đà Lạt, từ lâu đã nổi tiếng là điểm đến của tình yêu, nghỉ dưỡng, khí hậu ôn hòa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các điểm đến, nhu cầu của du khách cũng đã thay đổi, không chỉ là chiêm ngưỡng cảnh quan, mà còn là khám phá chiều sâu văn hóa, tương tác và trải nghiệm.
Việc Lâm Đồng tổ chức không gian quảng bá các làng nghề truyền thống, văn hóa cộng đồng và sản phẩm OCOP tại Thủ đô chính là một bước đi cần thiết trong định vị lại thương hiệu du lịch.
Ngoài danh tiếng là thành phố của hoa, Lâm Đồng còn là vùng đất của trà, của nhạc, của kiến trúc Pháp và bản sắc Tây Nguyên. Tất cả đều có thể trở thành sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo nếu được tổ chức bài bản và sáng tạo.
Các đại biểu tham dự họp báo
Mở rộng kết nối, tăng sức hút đầu tư
Diễn đàn kết nối “Văn hóa - Du lịch - Thương mại” giữa Lâm Đồng và các doanh nghiệp, tổ chức tại Hà Nội sẽ là điểm nhấn quan trọng, mở ra cơ hội đầu tư và hợp tác cụ thể.
Với xu hướng phát triển du lịch xanh, du lịch sức khỏe, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, Lâm Đồng có nhiều lợi thế để đón đầu.
Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm sao chuyển từ tiềm năng thành chuỗi giá trị hiệu quả.
Lâm Đồng cần xây dựng hệ thống dữ liệu du lịch thông minh, gia tăng trải nghiệm số cho du khách, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch gắn với cộng đồng bản địa, nhất là tại các huyện như: Lạc Dương, Đơn Dương, Bảo Lâm, Di Linh.
Ngoài ra, tỉnh cũng cần phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không, lữ hành lớn để mở rộng thị trường khách quốc tế, đặc biệt là từ châu Âu, Đông Bắc Á - những thị trường đang quan tâm đến du lịch thiên nhiên, nghỉ dưỡng và nông nghiệp công nghệ cao.
Sắp tới, sau khi sáp nhập các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông, tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 24.233 km2, quy mô dân số 3.324.400 người.
Lâm Đồng khi đó nằm trong top 10 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất Việt Nam. Theo trục Đông - Tây, tỉnh vừa có đường biên giới với Campuchia và vừa giáp biển.
Ông Đinh Văn Tuấn cho biết: “Tỉnh Lâm Đồng mới cũng được mở rộng không gian phát triển với tiềm năng trở thành trung tâm kinh tế - du lịch - nông nghiệp công nghệ cao của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nhờ lợi thế đa dạng về địa hình, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên cùng hệ thống giao thông liên kết vùng ngày càng hoàn thiện”.
“Chúng tôi cũng đặc biệt chú trọng phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa trong thời gian tới”, ông Đinh Văn Tuấn nói.
Toàn cảnh họp báo
“Đưa Lâm Đồng đến Hà Nội” để quay về với bản sắc
Việc tổ chức chương trình tại Hà Nội trung tâm chính trị, văn hóa, du lịch lớn của cả nước vừa giúp Lâm Đồng mở rộng thị trường, mà còn là dịp để địa phương soi lại chính mình: Những giá trị văn hóa nào cần bảo tồn? Những sản phẩm du lịch nào cần nâng tầm? Những điều gì khiến du khách quay trở lại nhiều lần?
Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội năm 2025 vì vậy không chỉ là cuộc trình diễn. Đó là sự kết nối giữa hai vùng đất, giữa những con người làm du lịch, và giữa một Đà Lạt đầy hoài niệm với một Hà Nội đậm chiều sâu.
Hi vọng từ những cuộc gặp này, Lâm Đồng sẽ tìm thêm động lực để làm du lịch khác biệt và bền vững hơn trong thời gian tới.
Các hoạt động chính Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội năm 2025
1. Chương trình diễn đàn kết nối “Văn hóa - Du lịch - Thương mại” tỉnh Lâm Đồng năm 2025 tại Hà Nội; ngày 17.5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong.
2. Chương trình trưng bày giới thiệu văn hóa du lịch, Di sản kiến trúc quy hoạch, sản phẩm OCOP, nông nghiệp trong khuôn khổ chương trình Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội năm 2025; từ ngày 16-18.5, tại Không gian đi bộ phố Đinh Tiên Hoàng phía hồ Hoàn Kiếm.
3. Chương trình Khai mạc kết hợp với biểu diễn nghệ thuật Một thoáng Lâm Đồng tại Hà Nội; từ 19h30 đến 21h30 ngày 17.5, Không gian đi bộ phố Đinh Tiên Hoàng phía hồ Hoàn Kiếm.
4. Chương trình triển lãm Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng - Đà Lạt; ngày 16-18.5, Không gian đi bộ phố Đinh Tiên Hoàng phía hồ Hoàn Kiếm.
5. Trưng bày giới thiệu văn hóa, du lịch, sản vật của Lâm Đồng; ngày 16-18.5, Không gian đi bộ phố Đinh Tiên Hoàng phía hồ Hoàn Kiếm.
6. Thực hiện không gian quảng bá, trưng bày triển lãm, giới thiệu tinh hoa văn hóa của địa phương; ngày 16-18.5, Không gian đi bộ phố Đinh Tiên Hoàng phía hồ Hoàn Kiếm.
7. Thực hiện không gian trà và trưng bày các sản phẩm trà; ngày 16-18.5, Không gian đi bộ phố Đinh Tiên Hoàng phía hồ Hoàn Kiếm.
ĐINH AN