Sẵn sàng sáp nhập xã, thị trấn

Sẵn sàng sáp nhập xã, thị trấn
2 giờ trướcBài gốc
Chính quyền và người dân xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) đã quan tâm bàn bạc, thảo luận kỹ lưỡng việc sáp nhập ĐVHC cấp xã. Người dân kỳ vọng việc sáp nhập sẽ tạo ra không gian phát triển mới cho địa phương, nâng cao hơn nữa đời sống người dân.
Ông Lê Tấn Hồng, ở thôn Năng Tây 2, xã Nghĩa Phương cho biết, theo phương án thì một phần thôn Năng Tây 2 và thôn Năng Tây 3 ở phía đông Quốc lộ 1 sẽ nhập vào thị trấn Sông Vệ. Việc sáp nhập này sẽ mở ra không gian phát triển đô thị cho thị trấn Sông Vệ; đồng thời tạo ra cơ hội mới để người dân phát triển kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
“Để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, chúng tôi mong rằng các cấp chính quyền cần quan tâm hỗ trợ người dân chuyển đổi các giấy tờ có liên quan. Cần có chính sách miễn, giảm việc cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...”, ông Hồng bày tỏ.
Một phần thôn Năng Tây 2, xã Nghĩa Phương sẽ sáp nhập vào thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa). Ảnh: BS
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phương Võ Danh Ngọc cho biết, theo phương án sắp xếp thì nhập một phần diện tích tự nhiên và dân số thôn Bách Mỹ, xã Nghĩa Mỹ sẽ sáp nhập vào xã Nghĩa Phương; nhập một phần diện tích tự nhiên và dân số thôn Năng Tây 2, thôn Năng Tây 3 vào thị trấn Sông Vệ. Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đồng thuận cao với phương án sáp nhập.
Đối với các tài liệu, giấy tờ có liên quan đến diện tích, dân số thôn Năng Tây 2 và thôn Năng Tây 3 đã có sẵn, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết thì tiến hành các bước bàn giao theo quy định.
“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã mong muốn sau sáp nhập, tỉnh, huyện cần quan tâm đầu tư để xã có hạ tầng đồng bộ. Trong đó, cần đầu tư xây dựng cầu nối Mỹ Thành với thôn Bách Mỹ nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, ông Ngọc kiến nghị.
Theo Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Tư Nghĩa Võ Văn Sâm, phương án sáp nhập ĐVHC cấp xã đối với các xã Nghĩa Phương, Nghĩa Mỹ và thị trấn Sông Vệ được huyện xây dựng bài bản và đưa ra lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện. Các địa phương tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân để nắm rõ mục đích của việc sáp nhập.
Đồng thời, chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện các bước kiểm kê, bàn giao các tài liệu có liên quan, tài sản, tài chính, quản lý các dự án đầu tư đang triển khai... Xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để các đơn vị thuộc diện sắp xếp các ĐVHC cấp xã hoạt động theo địa giới hành chính mới theo quy định.
Tại huyện Mộ Đức, theo phương án sẽ sáp nhập xã Đức Lợi vào xã Đức Thắng. Chủ tịch UBND xã Đức Lợi Lê Minh Việt cho hay, những công việc còn tồn tại đang được xã tập trung giải quyết, để khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về sáp nhập thì tiến hành các bước bàn giao, sáp nhập theo quy định.
Sáp nhập ĐVHC cấp xã sẽ có một số cán bộ, công chức dôi dư. Qua nắm bắt tình hình, các cán bộ, công chức thuộc đối tượng dôi dư sẵn sàng tâm thế điều động, luân chuyển đến ĐVHC cấp xã khác còn thiếu, hoặc nghỉ trước tuổi. Đối với số cán bộ nghỉ trước tuổi, mong muốn tỉnh, huyện quan tâm có chế độ chính sách hỗ trợ phù hợp.
BÁ SƠN
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn Quảng Ngãi : http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202409/san-sang-sap-nhap-xathi-tran-ff315f5/