Phó Giám đốc Sở VHTTDL TP.HCM Nguyễn Nam Nhân (bên phải)
Sắc diện mới của “thủ phủ” bóng đá phía Nam
Trong kỷ nguyên đổi mới địa giới hành chính, TP.HCM mở rộng sở hữu nhiều lợi thế “khó tìm thấy đối thủ” với dân số vượt 14 triệu, GRDP chiếm hơn 23% GDP cả nước, hạ tầng logistics phát triển mạnh. Khi hai địa phương giàu truyền thống thể thao là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu chính thức về chung một nhà, tiềm lực bóng đá TP.HCM được cộng hưởng mạnh mẽ.
Ngay tại hạng chuyên nghiệp cao nhất, khán giả sẽ chứng kiến sự tái xuất của Công an TP.HCM (tên mới của CLB TP.HCM) bên cạnh Becamex TP.HCM - đội bóng từng ba lần vô địch quốc gia khi còn khoác áo Bình Dương. Ở giải hạng Nhất, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trẻ TP.HCM, Gia Định và Đại học Văn Hiến tiếp tục làm dày thêm bản đồ bóng đá đô thị. Sáu màu cờ, sáu bản sắc, nhưng chung khát vọng biến TP.HCM mới thành “thủ phủ” bóng đá.
Ông Nguyễn Nam Nhân, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM nhấn mạnh: “Bóng đá từng là linh hồn văn hóa đô thị Sài Gòn. Giờ đây, khi TP.HCM mở rộng địa giới, chúng tôi xác định thể thao (đặc biệt là bóng đá) phải trở thành sợi dây gắn kết cộng đồng, thúc đẩy kinh tế ban đêm, du lịch và sáng tạo.
Lãnh đạo thành phố đã giao ngành Thể thao phối hợp, định hướng cùng các CLB xây dựng mô hình quản trị chuyên nghiệp, tăng cường đào tạo trẻ, chuẩn hóa cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Với thế mạnh của một trung tâm kinh tế lớn nhất nước, sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và tình yêu bóng đá của người dân TP.HCM, chúng tôi mong muốn mang đến cho người hâm mộ những trận cầu xứng tầm, phục hồi hào khí các đội bóng tiêu biểu như Cảng Sài Gòn năm xưa và tạo thêm nhiều điểm đến văn hóa - giải trí cho thành phố”.
Ông Nguyễn Nam Nhân cho rằng, sáu đội bóng sẽ là “bệ phóng” cho hệ sinh thái bóng đá địa phương: “Từ tuyến năng khiếu đến chuyên nghiệp, chúng tôi muốn cầu thủ TP.HCM đủ sức đóng góp cho đội tuyển quốc gia, đồng thời tạo một chuỗi giá trị kinh tế - truyền thông - du lịch ngay trên sân cỏ. Chúng tôi ý thức sâu sắc rằng bóng đá không chỉ là cuộc chơi 90 phút mà còn là đòn bẩy kinh tế - du lịch, là hạt nhân văn hóa. Khi một đứa trẻ ước mơ khoác áo đội bóng thành phố, đó chính là thành công sâu xa nhất. Sở VHTT sẽ đồng hành cùng VFF, VPF và các doanh nghiệp để ươm mầm tài năng, nâng cao chất lượng giải, hướng tới hình ảnh TP.HCM mới - thành phố thể thao năng động, bao trùm và hiện đại”.
LPBank V.League 1-2025/26 khởi tranh ngày 15.8 với 14 CLB: Becamex TP.HCM, Công an TP.HCM, Công an Hà Nội, Đông Á Thanh Hóa, Hà Nội FC, Hải Phòng, Hoàng Anh Gia Lai, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Ninh Bình, Quảng Nam, SHB Đà Nẵng, Sông Lam Nghệ An, Thép Xanh Nam Định và Thể Công Viettel. Thể thức vòng tròn hai lượt (26 vòng, 182 trận) bảo đảm tính công bằng, trong khi tổng quỹ thưởng 9,5 tỉ đồng cho ba thứ hạng cao nhất đủ kích thích tham vọng vô địch.
Nhưng điều giới mộ điệu mong chờ nhất chính là loạt “derby nội tỉnh/thành phố”, là các trận Công an TP.HCM - Becamex TP.HCM, Công an Hà Nội - Thể Công Viettel, hay SHB Đà Nẵng - Quảng Nam...
Mùa giải mới các cầu thủ Becamex Bình Dương sẽ có tên mới là Becamex TP.HCM và sẽ trở thành 1 trong 2 đội bóng chơi ở V.League của TP.HCM. Ảnh: VPF
Định vị “siêu đô thị” trên bản đồ bóng đá khu vực
Đại diện của VPF kỳ vọng với các trận derby cùng tỉnh, thành phố là cơ hội để phát triển hình ảnh giải đấu cũng như kỳ vọng về những thay đổi trong công tác quản lý, phát triển bóng đá để phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế của các địa phương; bên cạnh đó là việc gia tăng đội ngũ CĐV truyền thống, mang bản sắc, thương hiệu, gắn với truyền thống địa phương.
Công ty VPF đã xây dựng các mã số để các đội bóng cùng tỉnh gặp nhau ở những vòng đầu của giai đoạn lượt đi và lượt về đồng thời để đảm bảo các công tác tổ chức liên quan đến VAR, truyền hình trực tiếp và phục vụ khán giả đón xem trận đấu tốt nhất.
Mùa giải 2025/26 có mật độ thi đấu dày đặc. Ngay sau trận Siêu Cup Quốc gia 2024/25 (9.8), các CLB bước vào cuộc “marathon”. Hai đội xếp cuối bảng sẽ phải xuống hạng trực tiếp. Quy định mới biến từng điểm số, từng pha bóng thành tài sản vô giá, buộc các CLB phải đầu tư chiều sâu lực lượng.
Thị trường chuyển nhượng vì thế sôi động ngay từ trước khi “cửa sổ” đầu tiên khép lại ngày 14.9.2025. Ưu tiên hàng đầu của nhiều HLV là chiêu mộ trung vệ cao to và tiền đạo biết tạo đột biến, bên cạnh việc săn lùng ngoại binh để tối ưu suất đăng ký đối với các đội không tham dự AFC Champions League. Riêng các đại diện dự Cup châu lục được phép đăng ký 7 ngoại binh, nhưng chỉ 3 cầu thủ ngoại được thi đấu cùng lúc.
Ngày 28.6.2026, trận chung kết Cup Quốc gia sẽ khép lại mùa bóng dài nhất thập niên. Nhưng trước khi nghĩ tới vinh quang, LPBank V.League 1-2025/26 cần đi qua từng vòng đấu thử lửa. Sáu đại diện TP.HCM, 2 đại diện Hà Nội, cùng những lá cờ đầu giàu bản sắc như SLNA, HAGL hay Nam Định sẽ tạo nên tấm thảm nhiều màu.
Với địa giới mới, nguồn lực mới và quyết tâm mới, bóng đá TP.HCM không còn đơn thuần là “đội bóng thành phố”, mà đã trở thành biểu tượng của một siêu đô thị đang định vị chính mình trên bản đồ bóng đá Đông Nam Á. LPBank V.League 1-2025/26 chính là bệ phóng để khẳng định giá trị ấy, nơi khán giả trông chờ derby rực lửa, các nhà quản lý kỳ vọng doanh thu kỷ lục và cầu thủ trẻ nuôi giấc mơ vươn tầm châu lục.
Khi tiếng còi khai cuộc vang lên, mùa bóng mới sẽ không chỉ kể câu chuyện 90 phút trên sân, mà còn tái hiện hành trình hội nhập của bóng đá Việt Nam: Khát vọng vươn xa, gắn kết cộng đồng, lan tỏa tinh thần thể thao hiện đại - chuẩn mực - nhân văn. Và trong bức tranh ấy, thành phố mang tên Bác, với sáu chiến binh khoác sáu màu áo, đang sẵn sàng viết nên chương sử mới cho chính mình và cho cả V.League.
THU SÂM