"Oằn lưng" gánh phí
Đau đầu khi nhận thông báo tăng phí từ 1/4, anh Nguyễn Xuân Sơn (Hà Đông, Hà Nội) ngậm ngùi chia sẻ, có thể anh phải bỏ hết những shop hàng mà anh đã dày công xây dựng nhiều năm qua trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee, để chọn cách kinh doanh khác.
Sàn thương mại điện tử tăng phí từ 1/4 khiến nhiều chủ shop lao đao. Ảnh: Trọng Hiếu.
Theo anh, Shopee tăng phí với tất cả các sản phẩm, từ mức phổ biến 9% lên 14-15%. Đặc biệt, Shopee cũng xóa bỏ gói Freeship Extra và yêu cầu người bán chịu toàn bộ chi phí vận chuyển cho các đơn hàng không thành công hoặc trả lại. Điều này khiến người bán phải tự gánh nhiều chi phí mà trước đây nền tảng hỗ trợ.
Chưa kể, các sàn TMĐT còn giảm bớt các ưu đãi vốn có, cắt giảm nhiều chính sách hỗ trợ người bán. Đồng thời áp dụng hàng loạt loại phí như: phí vận chuyển, phí rủi ro, phí vận hành, thuế… đẩy người bán vào tình thế khó khăn.
Ngoài ra, những năm gần đây, để bán được hàng trên các sàn TMĐT, các shop đều phải chạy quảng cáo mới tiếp cận được khách hàng. Ước tính mức chi phí bỏ ra để quảng cáo ngưỡng 10-25% giá trị sản phẩm. Anh Sơn tính toán, mức chi phí cho một sản phẩm bán trên sàn lên tới hơn 30%.
"Một câu chuyện dở khóc, dở cười mà nhiều shop mắc phải khi Shopee cho trả hàng trong 15 ngày dùng thử: việc khách hàng "mượn" một cái túi, hay một chiếc váy đi chơi ít hôm rồi hoàn lại là chuyện bình thường. Bởi theo quy định, khi khách hoàn lại thì shop không đồng kiểm. Tức là hàng hỏng, hàng sai vẫn phải nhận.
Điều này làm cho các shop dễ rơi vào thua lỗ nhưng không thể kiện sàn, cũng khó lựa chọn ra đi, bởi Shopee là sàn chiếm thị phần lớn, gần như độc quyền toàn thị trường TMĐT", anh Sơn kể.
Người tiêu dùng cũng lo
Tương tự, chị Hoài Thương (Đống Đa, Hà Nội), một nhà bán đồ chơi trẻ em lâu năm trên các sàn TMĐT, chia sẻ mức tăng phí 2-3 lần đã gây sức ép quá lớn đối với người bán.
"Không chỉ phí cố định, người bán còn phải chịu thêm các khoản phí phát sinh như khi khách không nhận hàng hoặc "bom" hàng. Điều này khiến việc kinh doanh qua sàn ngày càng trở nên khó khăn hơn," chị Lan Anh cho biết.
Không chỉ người bán lo ngại, người tiêu dùng cũng có lý do để lo lắng. Anh Trần Hoàng, một khách hàng thường xuyên mua hàng trên các sàn TMĐT bày tỏ: "Nếu giá sản phẩm tăng, tôi sẽ khó tìm được những món hàng ưng ý với mức giá hợp lý như trước đây. Điều này cũng khiến các chương trình khuyến mãi trở nên ít hơn, ảnh hưởng đến thói quen mua sắm của tôi".
Trong làn sóng tăng giá này, ngoài Shopee, thì TikTok Shop cũng được chú ý khi tăng phí hoa hồng đối với nhà bán hàng thường từ 3% lên 4%; phí hoa hồng cho các shop thuộc phân khúc Shop Mall tăng từ 4,54 - 5,78% lên 6,05 - 7,7%. Ngoài ra, người bán còn phải chịu thêm phí giao dịch 5% và phí vận chuyển.
Cần chủ động xây dựng kênh riêng
Theo ông Trần Lâm, CEO của Julyhouse – cha đẻ của nhiều thương hiệu làm đẹp nhận định, đợt tăng phí lần này của các sàn TMĐT là một "cú đấm mạnh" đối với các nhà bán hàng. Do đó, các nhà bán hàng cần xác định rõ mô hình kinh doanh và đầu tư hợp lý. Các nhà bán hàng cá nhân nên tinh gọn hoạt động để giảm chi phí và tối ưu hóa lợi nhuận.
Ông Lê Sỹ Dũng, Giám đốc Công ty Fixecom gợi ý các giải pháp cải thiện biên lợi nhuận như tăng giá bán hợp lý, tìm nguồn hàng giá tốt hơn hoặc đàm phán lại với nhà cung cấp. Các shop cũng cần tập trung vào các sản phẩm có giá trị cao, tránh cuộc đua giảm giá và bán hàng theo combo để tăng giá trị đơn hàng, đồng thời tối ưu chi phí vận chuyển.
Một giải pháp khác là giảm tích trữ hàng hóa để giảm chi phí lưu kho, tối ưu hóa quy trình đóng gói và lựa chọn nhà vận chuyển hiệu quả.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech cho rằng, các doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hóa quy trình vận hành, đặc biệt là kho vận và logistics, để tránh ảnh hưởng đến uy tín.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần phải xây dựng kênh bán hàng riêng của mình để thu thập và sở hữu dữ liệu khách hàng. Đây là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vì khi bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp không có quyền truy cập vào thông tin khách hàng.
Việc sở hữu dữ liệu khách hàng giúp doanh nghiệp hiểu rõ nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng, từ đó đưa ra những chiến lược tiếp thị hiệu quả, cải tiến sản phẩm và tăng trưởng lâu dài.
Ông Bình tin rằng, việc đầu tư vào kênh bán hàng riêng và xây dựng tệp khách hàng sẽ giúp các doanh nghiệp tự chủ hơn trong việc quản lý mối quan hệ với khách hàng, đối phó với những biến động của thị trường thương mại điện tử trong tương lai.
Chuyên gia công nghệ, ông Jensen Wu, CEO của Topview AI chỉ ra rằng, trong bối cảnh chi phí tăng cao, các doanh nghiệp có thể tìm đến công nghệ AI để giảm bớt gánh nặng và tối ưu hóa quy trình kinh doanh.
Đặc biệt, trong lĩnh vực livestream bán hàng, AI có thể giúp các nhà bán hàng tiết kiệm chi phí nhân sự và duy trì hoạt động liên tục 24/7 mà không cần sự có mặt của người bán. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn cải thiện hiệu quả bán hàng.
Một lợi thế khác của AI là khả năng vượt qua rào cản ngôn ngữ và giúp các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng quốc tế.
Theo chuyên gia AI Lê Quốc Khôi, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là trong ngành nông sản sẽ hưởng lợi từ tiềm năng phát triển lớn mà AI mang lại, giúp họ mở rộng quy mô mà không phụ thuộc vào các nền tảng TMĐT. Đây là một xu hướng không chỉ phổ biến tại Việt Nam mà còn được các quốc gia khác như Mỹ khuyến khích bằng cách đầu tư vào AI cho các doanh nghiệp SME.
Ngoài ra, trong bối cảnh các sàn thương mại điện tử tăng phí, việc áp dụng AI sẽ giúp các nhà bán hàng giảm bớt sự phụ thuộc vào các nền tảng này.
Báo cáo mới công bố của Công ty Phân tích & Tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử YouNet ECI cho thấy, tổng giá trị giao dịch (GMV) trên các sàn thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2024 đạt khoảng 13,8 tỷ USD, tăng 40% so với năm trước đó.
Trong đó, Shopee và TikTok Shop tiếp tục dẫn đầu thị trường với GMV lần lượt đạt 9,3 tỷ USD và 3,8 tỷ USD, chiếm lần lượt 66,7% và 26,9% thị phần. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của hai nền tảng này trong năm 2024 đạt 41% và 99% so với năm trước.
Ngọc Diệp