Sàn thương mại điện tử Temu vào Việt Nam, chưa đăng ký, sản phẩm không được bảo vệ

Sàn thương mại điện tử Temu vào Việt Nam, chưa đăng ký, sản phẩm không được bảo vệ
2 giờ trướcBài gốc
Temu là một sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, được thành lập bởi PDD Holdings (Trung Quốc), nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay. Temu mở tính năng bán hàng tại Việt Nam và chạy quảng cáo rầm rộ đến người dùng tuần gần đây.
Điểm nổi bật của Temu so với các sàn thương mại điện tử khác là giá sản phẩm rất rẻ, nhờ vào mô hình kinh doanh kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng, loại bỏ các chi phí trung gian.
Hầu hết các sản phẩm của Temu đều đến từ các nhà sản xuất Trung Quốc, nơi có chi phí sản xuất thấp và quy mô sản xuất lớn. Công ty mẹ của Temu, PDD Holdings, cũng có những chiến lược trợ giá, chấp nhận lợi nhuận thấp cho mỗi sản phẩm bán ra, giúp giảm giá thành sản phẩm. Tính đến ngày 7/10/2024, Temu hiện đang hoạt động tại tổng cộng 82 quốc gia và vùng lãnh thổ.
(Ảnh minh họa)
Việc ra mắt tại thị trường Việt Nam của Temu đã được nhắc đến từ đầu tháng 7 năm nay. Khi đó, nhiều người đã dự đoán rằng Temu sẽ chính thức đến Việt Nam vào khoảng tháng 10. Khi vào thị trường Việt Nam, trang web Temu Việt Nam chỉ mới có ngôn ngữ tiếng Anh. Cách đây mấy ngày, ngôn ngữ tiếng Việt đã được bổ sung vào trang web Temu Việt Nam cũng như ứng dụng Temu trên điện thoại. Tuy nhiên, nền tảng này vẫn chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng (không phải ví điện tử địa phương) và chưa cho phép người dùng Việt Nam thanh toán khi nhận hàng. Chỉ có hai đơn vị cung cấp dịch vụ hậu cần (Ninja Van và Best Express) được kết nối.
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều ngày 23/10, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định theo quy định của Nghị định 85/2021, các sàn thương mại điện tử hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký.
Về quan điểm có nên cấm sàn thương mại điện tử Temu hoạt động tại Việt Nam hay không, ông Tân cho biết hiện nay, Indonesia đã tìm cách ngăn chặn nền tảng này và một số
quốc gia cũng bày tỏ quan ngại. "Tôi cũng đã giao Cục Thương mại điện tử và kinh tế số rà soát đánh giá tác động", lãnh đạo Bộ nhấn mạnh.
Thứ trưởng Sinh cho biết về mặt nguyên tắc, Bộ Công Thương vẫn đang triển khai đề án đảm bảo quản lý chặt và chống gian lận, hàng giả, hàng nhái. Bộ cũng đã giao Tổng cục Quản lý thị trường theo dõi sát liên quan đến vấn đề này.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân thừa nhận việc giá cả của các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là sàn Temu, rất cạnh tranh. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh nhà chức trách sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh kỹ lưỡng để làm rõ nguồn gốc và chất lượng của các sản phẩm này, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, (Bộ Công Thương) cho biết theo quy định, các sàn thương mại điện tử nước ngoài muốn hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký theo Nghị định 52 và Nghị định 85 sửa đổi về thương mại điện tử. Tuy nhiên, Temu hiện chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhận định, quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới là thách thức với Việt Nam và nhiều nước trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định về quản lý hải quan với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử, để cơ chế tách bạch luồng hàng thông thường và online, tăng quản lý người bán nước ngoài qua kênh này. Họ cũng đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) theo hướng các sản phẩm bán trên nền tảng số không được hưởng thuế 0%, để chống thất thu, gian lận trong hoàn thuế VAT.
Tuấn Kiệt (t/h)
Nguồn TCDN : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/san-thuong-mai-dien-tu-temu-vao-viet-nam-chua-dang-ky-san-pham-khong-duoc-bao-ve-d53137.html