Hành khách làm thủ tục tại Sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết 2024.
Giá vé tăng mạnh ở hầu hết các hãng bay
Vietnam Airlines Group (gồm các hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) đã công bố cung ứng thêm hơn 650.000 ghế, tương đương hơn 3.000 chuyến bay trên các chặng bay nội địa trong giai đoạn từ 13/1/2025 đến 12/2/2025 (tức trong khoảng 15 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, đợt tăng chuyến này sẽ nâng tổng số ghế toàn mạng bay nội địa của Vietnam Airlines Group lên hơn 2,15 triệu ghế, tương đương hơn 11.000 chuyến bay. Các chuyến bay tăng cường tập trung vào các đường bay phục vụ nhu cầu về nhà và du xuân dịp Tết, giữa Hà Nội và TPHCM; TPHCM đi Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Vinh (Nghệ An), Đà Nẵng, Hải Phòng, Huế, Thanh Hóa, Quy Nhơn (Bình Định), Pleiku (Gia Lai), Chu Lai (Quảng Nam), Đồng Hới (Quảng Bình)…
Được biết, tới ngày 22/11, gần 70% các chuyến từ TPHCM đi các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung đã có người đặt chỗ. Dự báo lượng khách đi tết năm nay từ TPHCM sẽ vượt con số năm ngoái. Chính vì thế mà giá vé trong vòng nửa tháng qua liên tục biến động theo chiều đi lên ở hầu hết các hãng bay.
Ở thời điểm này, khảo sát trên kênh bán vé của các hãng hàng không, giá vé khứ hồi hạng phổ thông chặng bay TPHCM - Hà Nội dịp Tết nếu đặt chỗ ngay từ bây giờ (đã bao gồm thuế phí) của Vietjet Air là 6,1 triệu đồng, tăng hơn 2,3 triệu đồng so với giá vé bay thông thường vào ngày 22/11 ; Vietnam Airlines là hơn 7,7 triệu đồng, tăng hơn 2,7 triệu đồng; Vietravel Airlines là 6,9 triệu đồng, tăng hơn 2,6 triệu đồng; Bamboo Airways là 7,5 triệu đồng, tăng hơn 2,8 triệu đồng.
Cùng thời điểm bay (từ 24/1/2025 - 3/2/2025), chặng TPHCM - Hải Phòng, giá vé khứ hồi (đã bao gồm thuế, phí) của Vietjet Air là 7,7 triệu đồng; Vietnam Airlines là 7,75 triệu đồng. Mức giá của 2 hãng đều tăng hơn 4,5 triệu đồng so với thời điểm bay hiện tại, tăng khoảng 2 triệu đồng/vé khứ hồi so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chặng bay khác từ TPHCM về các tỉnh miền Bắc cũng có giá vé ngất ngưởng. Cụ thể, chặng TPHCM - Thanh Hóa vé hạng phổ thông khứ hồi của Vietjet Air có mức giá là 7,3 triệu đồng; Vietnam Airlines có giá 7,5 triệu đồng. Chặng bay TPHCM - Nghệ An, giá vé khứ hồi của Vietjet là 7,2 triệu đồng; Vietnam Airlines là 7,8 triệu đồng; Bamboo Airways là 7,4 triệu đồng. Các chuyến bay được phân bổ vào nhiều khung giờ trong ngày, từ sáng sớm cho đến đêm khuya.
Nhìn chung, mặc dù số lượng vé còn nhiều và chưa rơi vào tình trạng "cháy vé" nhưng giá vé khứ hồi dịp Tết khi mua giai đoạn này đã tăng cao. Điều đó có thể thấy trên trang bán vé trực tuyến của các hãng hàng không đường bay TPHCM - Hà Nội vào những ngày thường có giá vé dao động từ 1,5 triệu đồng- 1,7 triệu đồng/vé hạng phổ thông, tuy nhiên giá vé khởi hành ngày 26/1/2025 (tức 27 tháng Chạp) lại có giá từ 3,7 - 4,1 triệu đồng/1 chiều hạng phổ thông; 7,7 - 8,5 triệu đồng/1 chiều hạng thương gia, thậm chí có những khung giờ còn lên đến hơn 13 triệu đồng/vé hạng thương gia.
Trong khi đó, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, giá vé năm nay tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái do chi phí đầu vào leo thang và nguồn cung tàu bay hạn chế.
Du khách chuyển hướng sang tour nước ngoài
Giá vé bay dịp Tết tăng cao không chỉ là mối lo của những người về ăn tết đoàn viên, thăm thân mà còn khiến các tour du lịch nội địa gặp khó. Dữ liệu phòng vé của Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt cho thấy, hiện giá vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội, TPHCM đi các điểm du lịch trong nước dịp Tết Nguyên đán đã tăng khoảng 10% so với năm ngoái, tùy thời gian đặt, giờ bay, hãng bay. Cho dù đường bay từ Hà Nội đi Phú Quốc của Vietnam Airlines trong dịp nghỉ Tết Ất Tỵ không hiếm chuyến bay nhưng giá đã lên tới 9-10 triệu đồng/vé khứ hồi, chỉ có một số chuyến bay giờ sớm hoặc đêm khuya giá 7-8 triệu đồng/vé khứ hồi. Trong khi đó, giá vé bay Vietjet chặng Hà Nội - Phú Quốc từ 6-8 triệu đồng/vé khứ hồi.
Theo Phó Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, vé máy bay thường chiếm khoảng 30-40% trong giá tour, nhưng trong dịp Tết Nguyên đán đã lên tới 50-55%. Điều này buộc các công ty lữ hành phải điều chỉnh tăng giá tour nội địa 10 - 20% làm sức hút của thị trường này giảm mạnh, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt trong việc thu hút du khách. Giá tour nội địa trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tăng đang khiến người tiêu dùng chuyển sang đi tour nước ngoài như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tràng An Travel Nguyễn Hữu Cường thông tin, giá vé khứ hồi bay nội địa của các hãng hàng không trên một số đường bay trong dịp Tết bằng, thậm chí cao hơn giá tour du lịch trọn gói đến Thái Lan, Campuchia cùng thời điểm khiến du khách chuyển hướng chọn du lịch nước ngoài thay vì tour nội địa. Dẫn chứng, ông Cường cho biết, hiện, tour 5 ngày 4 đêm khởi hành từ TPHCM đi Đài Loan (Trung Quốc) vào mùng 1, mùng 2 và mùng 8 Tết được bán với giá 12 triệu đồng/ khách. Trong khi đó, một tour TPHCM đi Quy Nhơn và Phú Yên cùng thời điểm có giá khoảng 9,5 triệu đồng/khách.
Còn Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội Phạm Văn Bảy cho biết, thị trường du lịch nước ngoài dịp Tết được nhiều du khách quan tâm hơn hẳn cùng kỳ năm ngoái. Giá vé máy bay cao là một trong những nguyên nhân khiến du khách chuyển hướng du lịch nước ngoài dịp lễ Tết thay vì du lịch nội địa.
Nỗi lo trễ chuyến và chen chân tại sân bay
Cùng với nỗi lo giá vé thì khách bay dịp Tết này còn lo trễ chuyến (delay). Đó là nỗi lo có thực, ám ảnh du khách khi delay đã trở thành “trạng thái bình thường mới”. Thông tin từ Cục Hàng không, tháng 6/2024, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện 22.459 chuyến bay thì có 6.892 chuyến bị chậm giờ, chiếm tỷ lệ 30,7%. Còn thì trong vòng 8 tháng tính từ đầu năm 2024, có gần 46.000 chuyến của các hãng bay Việt Nam bị delay, chiếm tỉ lệ 26% trong tổng số các chuyến bay.
Vẫn thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam. Cộng dồn từ tháng 1 đến hết tháng 10/2024, có tới gần 55.000 chuyến bay bị chậm giờ cất cánh, chiếm 25,8% trong tổng số gần 212.000 chuyến bay của các hãng Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines, Vasco, Pacific Airlines); Vietjet Air; Bamboo Airways và Vietravel Airlines. Không chỉ chậm chuyến, 10 tháng qua có hơn 840 chuyến bay bị hủy.
Việc chậm chuyến không chỉ vài ba chục phút hay 1 giờ, mà nhiều chuyến liên tục báo hoãn, kéo dài tới 3, 4 giờ. Đáng nói là cũng không chỉ hành khách nội địa mà khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam cũng rất bức xúc vì bị delay. Họ ngạc nhiên không thể hiểu nổi chuyện gì đang diễn ra. Như vậy, dịch vụ bay đã không đáp ứng được yêu cầu về thời gian của khách hàng. Theo quy định, khi khách bị trễ chuyến do nguyên nhân từ phía hãng bay, sẽ được bồi thường. Nhưng không ai muốn nhận sự bồi thường ấy vì cái họ cần là được bay đi và đến đúng giờ. Và nếu có được bồi thường thì cao nhất cũng chỉ là 400.000 đồng/vé.
Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (cơ quan được Bộ Công thương giao nhiệm vụ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng), từ ngày 17/6/2024 đến ngày 30/8/2024, đơn vị nhận được nhiều đơn, thư gửi phản ánh qua thư điện tử về dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, chiếm khoảng 27,8% tổng đơn, thư nhận được. Đó là tỷ lệ rất lớn, cũng là nỗi bức xúc rất lớn nhưng vẫn tồn tại như một căn bệnh mãn tính.
Một mối lo nữa là nạn chen chân tại sân bay để đợi được làm thủ tục bay. Đi máy bay được cho là sử dụng dịch vụ hoàn hảo, nhưng việc chen lấn, xô đẩy tại sân bay trước khi “thoát” được vào phòng chờ luôn xảy ra vào những ngày cao điểm đông khách.
Cũng như việc delay, nạn hành khách phải chen lấn vô cùng mệt mỏi để làm thủ tục bay tại sân bay cho thấy hàng không nói riêng, cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực này nói chung vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo vé máy bay
Gần đây có một số trường hợp các website, tổ chức, cá nhân tự xưng là đại lý Vietnam Airlines. Một số trang web có tên miền giống, dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng. Kẻ gian thiết kế giao diện, màu sắc, logo tương tự website chính thức của Vietnam Airlines. Sau khi thu hút người mua bằng các chương trình giảm giá, ưu đãi, kẻ gian sẽ hướng dẫn con mồi làm các thủ tục mua vé. Chúng gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu phải thanh toán tiền gấp nếu không sẽ bị hủy. Sau khi nhận được tiền, đối tượng không xuất vé và ngắt liên lạc. Một số website giả chạy các chương trình ưu đãi hấp dẫn, nhưng khi nhấn vào mua hệ thống thông báo vé đã hết, người dùng cần để lại thông tin, số điện thoại, email để được nhận thông báo khi có chương trình giảm giá mới. Sau đó, đối tượng tiếp tục gửi email, tin nhắn thông báo khách hàng "trúng thưởng" hoặc nhận ưu đãi vé máy bay kèm đường link, yêu cầu thanh toán hoặc nhập thông tin tài khoản để chiếm đoạt tài sản. Không dừng lại ở đó, nhiều đối tượng lừa đảo sau khi nhận được tiền của khách vẫn tiến hành xuất vé nhưng sau đó lại hoàn vé và chiếm phần lớn tiền vé người mua đã chi trả. Tinh vi hơn, khi khách nhận vé, gọi điện lên hãng để kiểm tra thì được báo đã xuất vé đúng hành trình. Tuy nhiên sau đó ít ngày, người đặt vé này sẽ gửi yêu cầu tới hãng hàng không để xin hoàn vé. Như vậy, với mỗi vé bay, kẻ lừa đảo có thể bán đi bán lại cho nhiều người khác nhau và người mua sẽ chịu thiệt hại, ảnh hưởng đến lịch trình kế hoạch đi lại.
Người dân khi mua vé trên website, nếu được chào mời về những ưu đãi, giá rẻ bất ngờ, nên kiểm tra thận trọng. Đặc biệt, khi mua vé, khách hàng cần yêu cầu nơi bán cung cấp hóa đơn theo đúng quy định.
BẮC PHONG