Như PLO đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 người về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm...
Bước đầu điều tra xác định, từ tháng 8-2021 đến nay, các bị can trên đã thành lập Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh 573 nhãn hiệu sữa bột các loại và đã bán ra thị trường với doanh thu gần 500 tỉ đồng.
Những nhãn hiệu sữa này được quảng cáo, công bố có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, sữa của 2 công ty trên sản xuất không có những chất này và chất lượng đạt dưới 70% mức công bố.
Nhiều bạn đọc thắc mắc: Như thế nào là sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, mức phạt đối với tội danh này ra sao?
Công nhân đóng hộp thành phẩm sữa bột tại cơ sở sản xuất, chuẩn bị tung ra thị trường. Ảnh CA
Trao đổi với PLO, Luật sư Đậu Đức Ninh (Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương) cho biết, trước hết cần hiểu rõ định nghĩa "hàng giả" được quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020.
Theo đó, hàng giả gồm:
- Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
- Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.
- Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả
- Thuốc giả...
LS Ninh cho biết trong trường hợp này, kết quả điều tra của cơ quan chức năng xác định, sản phẩm sữa không chứa các thành phần như đã ghi trên bao bì và chất lượng đạt dưới 70% mức công bố. Điều này đã đủ điều kiện để xác định đây là hàng giả.
Đó là căn cứ để cơ quan chức năng khởi tố các bị can theo Điều 193 BLHS về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.
Theo Khoản 1 Điều 193 BLHS, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù 2-5 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức, với tính chất chuyên nghiệp, thu lợi bất chính 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng... sẽ bị phạt tù 5-10 năm, theo Khoản 2 Điều 193 BLHS.
Tại Khoản 3 Điều 193 BLHS quy định nếu hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200 triệu đồng trở lên; hàng giả tương đương hàng thật trị giá 500 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng hoặc làm chết người... thì bị phạt tù 10-15 năm.
Trường hợp phạm tội mà số tiền thu lợi bất chính từ 1,5 tỉ đồng trở lên; hoặc làm chết 2 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên.. thì bị phạt tù 15-20 năm, hoặc tù chung thân.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Một nhãn hiệu sữa bột giả do các đối tượng sản xuất. Ảnh VTV
LS Ninh cho rằng với doanh thu gần 500 tỉ đồng từ việc sản xuất và bán sữa bột giả, cơ quan chức năng sẽ xác định khoản thu lợi bất chính đối với từng bị can, nếu thu lợi bất chính với số tiền lớn hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng, hành vi của các đối tượng trên có thể bị xử lý ở các khung hình phạt cao nhất nêu trên.
SONG MAI