Sản xuất cà phê bền vững kết hợp bảo tồn và an sinh xã hội

Sản xuất cà phê bền vững kết hợp bảo tồn và an sinh xã hội
19 giờ trướcBài gốc
Nông dân được hướng dẫn kỹ thuật canh tác cà phê hiệu quả và bền vững trong khuôn khổ chương trình PPI Compact.
Chương trình PPI Compact được thực hiện dựa trên cơ chế hợp tác công - tư giữa UBND địa phương với các đối tác, đồng thời có sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH, Công ty JDE và dự án Ilanscape do chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp với Liên minh châu Âu thực hiện. Bên cạnh đó, chương trình còn có sự đồng hành từ đơn vị tư vấn là Công ty TMT Consulting, cùng các công ty xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam như Intimex Mỹ Phước, Acom, LDC và Sucafina.
Ông Đỗ Ngọc Sỹ - Giám đốc Bền vững châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn JDE cho biết, chương trình PPI Compact nhằm mục tiêu hướng đến tăng cường kiến thức và kỹ thuật cho người nông dân trong việc canh tác và sản xuất có trách nhiệm, thông qua các hoạt động như tái canh các vườn cà phê già cỗi, hạn chế sử dụng các nguồn nước ngầm như giếng khoan để tưới cà phê. Đồng thời, sử dụng phân bón, hóa chất nông nghiệp hợp lý, đa dạng hóa cây trồng; giảm chi phí, tăng thu nhập cho hộ dân.
Từ năm 2018 đến nay, chương trình đã tập trung triển khai đến người nông dân trồng cà phê nhiều nội dung thiết thực, như: Bảo vệ rừng và trồng rừng; tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên khuyến nông và nông dân; hỗ trợ hoạt động canh tác bền vững, nâng cao thu nhập. Trong đó, tập trung vào việc sử dụng phân bón, hóa chất nông nghiệp hợp lý; đa dạng hóa cây trồng; tăng cường trồng xen nâng độ che phủ; đào ao, hồ nhỏ; sử dụng nước tưới tiết kiệm và hợp lý; hỗ trợ nâng cao năng lực cho hợp tác xã, tổ hợp tác nông dân, các mô hình cung ứng dịch vụ nông nghiệp. Cùng với đó là thực hiện các giải pháp nhằm đáp ứng các yêu cầu của dự luật sản xuất không gây mất rừng mà EU đã ban hành.
Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, thông qua chương trình, hàng ngàn lượt cán bộ nòng cốt và nông dân đã được tham gia các chuyến tham quan học tập và chia sẻ kinh nghiệm tại các mô hình sản xuất thành công; hàng chục ngàn nông hộ được hỗ trợ cây giống tái canh cà phê, cây giống cây trồng xen và trang thiết bị bảo hộ lao động. Chương trình cũng cung cấp các hướng dẫn kỹ thuật về quản lý thảm phủ, bảo tồn đất, tưới tiết kiệm; quản lý dịch hại tổng hợp thu hái, chế biến và bảo quản sau thu hoạch...
Tham gia vào chương trình PPI Compact, vườn cà phê của nông dân Lưu Tiến Dũng (xã Hòa Bắc) được hướng dẫn bổ sung dinh dưỡng cho đất bằng phân hữu cơ, phân vi sinh. Do đó, vườn cà phê giữ được tăng trưởng xanh, góp phần chống suy thoái rừng và biến đổi khí hậu. Ông Dũng cho biết: “Lợi ích trước mắt và dễ nhận thấy nhất là nông dân ít tiếp xúc với chất hóa học, từ đó giảm bớt phần nào ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được hướng dẫn từng bước từ sản xuất đến thu hoạch để có thể đưa các sản phẩm sạch ra thị trường”.
Theo ông Đỗ Ngọc Sỹ, qua đánh giá, chương trình PPI Compact đã mang lại nhiều kết quả cụ thể và có ý nghĩa như nâng cao nhận thức và năng lực sản xuất cà phê bền vững cho hàng trăm nông hộ; thúc đẩy liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu; góp phần cải thiện môi trường đầu tư nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển xanh - sạch - bền vững.
VIỆT QUỲNH
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/san-xuat-ca-phe-ben-vung-ket-hop-bao-ton-va-an-sinh-xa-hoi-381779.html