Tăng trưởng ấn tượng
Theo phân tích mới nhất từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), sản xuất công nghiệp đã ghi nhận những kết quả hết sức tích cực trong nửa đầu năm 2025, với mức tăng trưởng 9,2%, cao nhất trong giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý II/2025 tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Điểm nổi bật là mức tăng trưởng này được xây dựng trên nền cao của năm 2024 (quý II/2024 tăng 9,9%), cho thấy sức bền của đà phục hồi.
Bà Phí Thị Hương Nga - Trưởng Ban Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Cục Thống kê (Bộ Tài chính) lý giải, động lực chính cho sự tăng trưởng này đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khi tăng tới 11,1% trong 6 tháng đầu năm nay. Nhiều nhóm ngành quan trọng ghi nhận mức tăng cao, nổi bật như: sản xuất xe có động cơ, chế biến thực phẩm - đồ uống, sản xuất vật liệu xây dựng và sản xuất kim loại.
Sản xuất công nghiệp nửa đầu năm 2025 tăng trưởng 9,2%, cao nhất trong giai đoạn 2021-2025.
Đà tăng trưởng lan tỏa rộng khắp cả nước với 62/63 tỉnh, thành phố có chỉ số IIP tăng. Chỉ duy nhất Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận chỉ số giảm 2,6%, chủ yếu do ảnh hưởng từ ngành khai khoáng.
Tuy nhiên, bên cạnh những gam màu sáng, theo bà Hương Nga, bức tranh công nghiệp vẫn tồn tại một số thách thức. Chỉ số tồn kho và tỷ lệ tồn kho của ngành chế biến, chế tạo vẫn ở mức khá cao. Ngành khai khoáng tiếp tục đà suy giảm, trong đó đáng chú ý là khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm sâu 8,2%. Một số ngành như chế biến gỗ và sản xuất giường, tủ, bàn, ghế cũng có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong quý II.
Không ít khó khăn trong nửa cuối 2025
Cục Thống kê dự báo, sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực. Quý III là thời điểm các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho các kỳ nghỉ lễ lớn ở Mỹ, châu Âu.
Trong nước, các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bao gồm: cải cách mô hình chính quyền địa phương hai cấp giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn; chiến dịch chống hàng giả tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; và việc đẩy nhanh đầu tư công cùng thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản tạo cú hích cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, thép, bê tông...
Ngoài ra, các ngành phục vụ xuất khẩu như điện tử, dệt may, da giày vẫn duy trì lợi thế cạnh tranh nhờ những thỏa thuận thuế quan ưu đãi với Mỹ. FDI đổ vào ngành chế biến, chế tạo – đặc biệt là điện tử, máy tính – tiếp tục giữ vai trò đầu tàu cho công nghiệp.
"Dù triển vọng tích cực, sản xuất công nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Ngành khai khoáng dự báo chưa thể phục hồi. Biến động giá năng lượng toàn cầu, chính sách thương mại từ Mỹ có thể gia tăng chi phí đầu vào, gây gián đoạn chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, yêu cầu chuyển đổi sản xuất xanh, sạch, ứng dụng công nghệ thông tin đang gia tăng, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn – đây là áp lực không nhỏ với doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa", bà Hương Nga nêu.
Dựa trên những phân tích trên, Cục Thống kê nhận định, động lực tăng trưởng công nghiệp nửa cuối năm sẽ đến từ FDI trong lĩnh vực chế biến chế tạo, xu hướng chuyển dịch sang công nghệ xanh và quy mô đầu tư công lớn. Để duy trì đà tăng trưởng cao và bền vững, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần linh hoạt, chủ động ứng phó với biến động thị trường và không ngừng cải thiện chuỗi cung ứng nội địa.
Nguyệt Minh