Theo báo cáo nhanh của các địa phương ở Sơn La, từ chiều ngày 19/7 đến nay, mưa lũ đã gây thiệt hại một số diện tích cây lúa, ngô, rau màu, thủy sản của người dân các xã, phường: Mộc Sơn, Thảo Nguyên, Chiềng Sơn, Co Mạ, Sốp Cộp…
Các địa phương tập trung khoanh vùng, dập dịch tả lợn Châu Phi.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La đã đề nghị UBND các xã, phường, Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp và Trạm kỹ thuật nông nghiệp các khu vực có phương án xử lý nhanh với vùng sản xuất có nguy cơ xảy ra mưa lớn, lũ quét; huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy, tôn cao bờ vùng, bờ thửa, tiêu nước nhanh cho các vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở; bảo vệ diện tích mạ, lúa mùa và hoa màu, nhất là với cây trồng đến thời kỳ thu hoạch…
Các đơn vị chuyên môn phân công cán bộ kỹ thuật bám cơ sở, theo dõi tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, có biện pháp ứng phó kịp thời trước ảnh hưởng xấu của thời tiết và dịch hại gây ra, nhất là với các dịch bệnh đã ghi nhận trên địa bàn thời gian gần đây như: dịch tả lợn Châu Phi tại gần 20 xã, phường; bệnh viêm da nổi cục tại gần 10 xã, phường….
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La cho biết: Hiện nay, diễn biến về dịch động vật rất phức tạp; trong yếu tố bất lợi của cơn bão số 3, việc lây truyền, lây lan các ổ dịch, đặc biệt là bệnh tai xanh, lở mồm long móng và viêm da nổi cục dễ xảy ra; người dân cần hết sức chú ý các biện pháp phòng ngừa, ứng phó trong điều kiện bất lợi của thời tiết, cũng như diễn biễn bất thường của mưa lũ…
Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để lây lan trên địa bàn.
Đối với cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, các địa phương chủ động rà soát, thống kê thiệt hại, đề xuất nhận hỗ trợ theo các chế độ, chính sách; trong đó có Nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La quy định mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật trên địa bàn tỉnh Sơn La, có hiệu lực từ ngày 1/8/2025. Theo Nghị quyết này, mức hỗ trợ đối với cây trồng, lâm nghiệp, thủy sản là từ 3 đến 60 triệu đồng tùy loại cây, diện tích, mức độ bị thiệt hại. Mức hỗ trợ đối với vật nuôi bị thiệt hại (chết, mất tích) do thiên tai, được tính theo con, ngày tuổi/tháng tuổi…
Nhiều giải pháp đã được chủ động triển khai nhằm ổn định tình hình sản xuất nông nghiệp, bảo vệ trên 43.300 ha diện tích gieo trồng cây hàng năm; gần 74.000 ha cây ăn quả; đàn gia súc trên 1,4 triệu con; diện tích nuôi thủy sản khoảng 3.000 ha, với 7.100 lồng nuôi… trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc