Đến 9 giờ sáng 13-5, giá vàng thế giới được giao dịch ở mức 3.229 USD/ounce, giảm cả trăm USD so với mức cao nhất đêm qua.
Trong khi đó, các công ty SJC, PNJ, DOJI sáng nay vẫn tăng giá vàng miếng SJC thêm 300.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, lên mức 117,5 triệu đồng/lượng mua vào và 119,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Dù vậy, trong 2 ngày qua, giá vàng miếng vẫn giảm khoảng 2,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn và vàng trang sức 99,99 ổn định ở mức 112,5 triệu đồng/lượng mua vào và 115 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng nhẫn đang thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 4,5 triệu đồng/lượng.
Nếu so với mốc đỉnh lịch sử, giá vàng miếng SJC đã giảm khoảng 4,5 triệu đồng/lượng.
Nếu so với mốc đỉnh kỷ lục, giá vàng trên thị trường quốc tế đã giảm khoảng 8,5%
Tính từ mức đỉnh kỷ lục 3.500 USD/ounce hồi tháng 4, giá vàng thế giới đã mất khoảng 8,5%. Theo giới phân tích, giá vàng lao dốc và duy trì ở mức thấp trong vài ngày qua, mất đi sức hấp dẫn như một kênh trú ẩn an toàn từ khi khi Mỹ và Trung Quốc đàm phán thương mại và đạt kết quả bước đầu là ngưng áp thuế trong 90 ngày.
Trong ngắn hạn, giá vàng được dự đoán khó tăng trở lại. Về trung và dài hạn, giá vàng vẫn được hỗ trợ bởi động thái chưa vội cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), xung đột địa chính trị ở một số khu vực vẫn chưa hạ nhiệt, đồng thời nhu cầu mua vàng từ nhà đầu tư cá nhân và tổ chức vẫn cao.
Với thị trường trong nước, nhiều người kỳ vọng giá vàng sẽ giảm mạnh hơn khi chênh lệch giá vàng miếng SJC và thế giới đang ở mức cao.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 101,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng nhẫn khoảng 13,3 triệu đồng/lượng và thấp hơn giá vàng miếng SJC khoảng 17,6 triệu đồng/lượng.
Đây là mức chênh lệch rất cao, so với mức cách biệt chỉ khoảng 3-5 triệu đồng/lượng vài tháng trước.
Thái Phương