Theo kế hoạch ban đầu, dự kiến chiều nay (22.5), đoàn xe cung rước xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ khởi hành từ chùa Bái Đính (Ninh Bình) sẽ đến quảng trường Lương Văn Nắm (thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, Bắc Giang), trước khi tiếp tục di chuyển về chùa Phúc Sơn để tổ chức lễ cầu nguyện quốc thái dân an và lễ cung rước xá lợi vào bảo tháp Phúc Sơn.
Chùa Phúc Sơn nằm trên núi Phượng Hoàng, nơi có thế núi tựa hình chim Phượng đang sải cánh, còn chùa nằm trên lưng chim
Tuy nhiên theo thông báo mới nhất từ Ban tổ chức, hiện nay xá lợi Phật đang tôn trí tại chùa Bái Đính, do số lượng Phật tử và nhân dân đang chiêm bái quá đông nên không thể di chuyển xá lợi Phật đi Bắc Giang theo lịch trình.
Để đảm bảo công tác tổ chức diễn ra một cách trang nghiêm, chu đáo và an toàn, chùa Phúc Sơn đã thông báo cho nhân dân, phật tử về việc lùi thời gian cung rước. Theo đó, xá lợi Đức Phật sẽ được chính thức an vị tại chùa Phúc Sơn vào trưa 23.5.
Việc tôn trí xá lợi Đức Phật tại chùa Phúc Sơn là cơ hội để thiện nam tín nữ được tận mắt chiêm ngưỡng xá lợi, bảo vật quốc gia của Ấn Độ, trong không gian linh thiêng của ngôi cổ tự hơn 400 năm tuổi.
Sau đó, xá lợi Phật sẽ được cung rước và tôn trí tại cung Trúc Lâm Yên Tử, thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) từ ngày 25 - 28.5; chùa Chuông, thành phố Hưng Yên (Hưng Yên) từ ngày 28 - 29.5; chùa Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) từ ngày 30.5 - 2.6. Sau ngày 2.6, xá lợi Phật sẽ được rước trở lại Ấn Độ bằng chuyên cơ.
Giáo hội đã khảo sát và đánh giá đủ điều kiện tôn trí cũng như thảo luận với chính quyền các địa phương để bảo đảm an ninh trật tự, y tế, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường trong thời gian người dân đến chiêm bái xá lợi Đức Phật.
Xá lợi Đức Phật là bảo vật quốc gia của Ấn Độ, được tôn trí tại Bảo tàng quốc gia New Delhi. Theo quy định ngoại giao của Ấn Độ, xá lợi Đức Phật xuất ngoại tương đương với chuyến công du của nguyên thủ quốc gia.
Chùa Phúc Sơn tọa lạc trên núi Phượng Hoàng (tại xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) là ngôi cổ tự có lịch sử từ năm 1693, mang đậm dấu ấn Phật giáo vùng Kinh Bắc. Điểm nhấn kiến trúc là bảo tháp Phúc Sơn cao 45m với 13 tầng, nơi đặt tôn tượng Phật ngọc Trần Nhân Tông.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa là nơi bàn thảo kế hoạch du kích, làm trạm xá, nơi trú ẩn tạm thời cho quân và dân ta. Trải qua năm tháng chiến tranh, thăng trầm của thời gian, mặc dù đã xuống cấp và phải tu bổ, tôn tạo nhiều lần nhưng ngôi chùa vẫn giữ được những hiện vật, tư liệu, sử liệu Phật giáo có giá trị lịch sử và văn hóa.
Thủy Long