Mặc dù điều chỉnh nhẹ trong phiên trước, chủ yếu do hoạt động chốt lời, tuy nhiên giá vàng thế giới vẫn giữ vững trên mốc hỗ trợ quan trọng 3.300 USD/oz.
Sức ép chốt lời xuất hiện trong bối cảnh nhu cầu trú ẩn an toàn có dấu hiệu suy giảm nhẹ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ hoãn việc áp thuế 50% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu sang ngày 9/7, sau cuộc gọi với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen.
Dù động thái hoãn thuế phần nào xoa dịu lo ngại về nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu leo thang, nhưng giới phân tích cho rằng sự bất ổn vẫn đang bao trùm tâm lý thị trường và tiếp tục hỗ trợ cho giá vàng.
“Ngay cả với sự thoái lui trong phiên đầu tuần, các yếu tố kỹ thuật và cơ bản vẫn đang hỗ trợ giá vàng tiến tới các mốc cao hơn. Citi đã nâng mục tiêu giá trong 3 tháng tới lên 3.500 USD/oz, dựa trên các rủi ro địa chính trị kéo dài, chính sách thuế quan và lo ngại về hiện tình tài khóa của Mỹ. UBS cũng duy trì quan điểm tăng giá, cho rằng vàng sẽ kiểm tra lại mốc 3.500 USD/oz”, James Hyerczyk, chuyên gia thị trường cấp cao tại FXEmpire.com lưu ý.
Chuyên gia này khuyến nghị: “Miễn là giá vàng giữ trên ngưỡng 3.310 USD/oz và nhu cầu trú ẩn an toàn còn ổn định, các nhà giao dịch nên tiếp tục thiên về xu hướng đánh lên và theo dõi các cơ hội mua vào dựa trên diễn biến tin tức”.
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích tại Brown Brothers Harriman cảnh báo không nên xem nhẹ nguy cơ leo thang căng thẳng thương mại sau các tuyên bố từ chính quyền Mỹ hôm thứ Sáu, hiện đang hướng mục tiêu vào châu Âu. Theo nhóm này, mức thuế quan 50% được đưa ra mà không kèm theo các phân tích kỹ lưỡng, mang tính trừng phạt các quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ. Họ dự báo EU sẽ có các biện pháp trả đũa nhanh chóng.
“Với việc Mỹ, EU và Trung Quốc chiếm 60% GDP toàn cầu, bất kỳ sự leo thang nào giữa các nền kinh tế lớn này đều là tín hiệu tiêu cực đối với tăng trưởng toàn cầu”, các nhà phân tích nhấn mạnh.
Áp lực lên USD và lợi suất trái phiếu có thể là động lực hỗ trợ vàng
Các chuyên gia phân tích tại Brown Brothers Harriman cũng cho rằng triển vọng của đồng USD đang suy yếu, với chỉ số đô la Mỹ dao động gần mức 99 điểm. Theo các nhà phân tích, đồng bạc xanh đang chịu sức ép từ nhiều yếu tố tiêu cực cùng lúc, gồm: lo ngại tài khóa, chính sách thương mại khó đoán và các chỉ số kinh tế yếu đi.
Song song đó, tình trạng nợ công gia tăng của Mỹ tiếp tục làm dấy lên lo ngại về tính bền vững của thị trường trái phiếu. Tuần này, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tổ chức đấu giá trái phiếu kỳ hạn 2, 5 và 7 năm. Nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng, nếu nhu cầu yếu và lợi suất tăng đột biến, điều đó có thể trở thành chất xúc tác mới đẩy giá vàng tăng cao hơn.
Trong bối cảnh thiếu vắng các tài sản an toàn có sức hấp dẫn tương đương, vàng vẫn được xem là kênh phòng thủ được giới đầu tư tin tưởng. Nếu lợi suất tăng buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải can thiệp thông qua các biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất hoặc thậm chí cắt giảm lãi suất, giá vàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới.
Lê Minh